Liên kết website

Một số điểm mới về chế độ thai sản theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024

25/09/2024

Ngày 29/6/2024, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024, thay thế Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch năm 2018; Bộ luật Lao động năm 2019 của Quốc hội). Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025. Một trong những điểm mới của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 là chế độ thai sản. Theo đó:

1. Bổ sung chế độ thai sản vào chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện
Khoản 2 Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định hưu trí và tử tuất là 02 chế độ của bảo hiểm xã hội tự nguyện. Một trong những điểm mới quan trọng tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 đó là đã bổ sung trợ cấp thai sản vào chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện theo điểm a khoản 3 Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024. Từ Điều 94 đến 97 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 quy định cụ thể về trợ cấp thai sản thuộc chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện như sau:
          - Về đối tượng và điều kiện hưởng trợ cấp thai sản: Lao động nữ sinh con hoặc lao động động nam có vợ sinh con có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hoặc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con được hưởng trợ cấp thai sản. Trường hợp chỉ có mẹ tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được hưởng trợ cấp thai sản. Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội đủ điều kiện hưởng trợ cấp thai sản quy định nêu trên thì chỉ cha hoặc mẹ được hưởng trợ cấp thai sản. Trường hợp lao động nữ sinh con hoặc lao động nam có vợ sinh con có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hoặc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con vừa có đủ điều kiện hưởng trợ cấp thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện và vừa có đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc thì chỉ được hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc. Trường hợp mẹ đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc, cha đủ điều kiện hưởng trợ cấp thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện thì mẹ được hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc và cha được hưởng trợ cấp thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện. Trường hợp cha đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc, mẹ đủ điều kiện hưởng trợ cấp thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện thì cha được hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc và mẹ được hưởng trợ cấp thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện.
          - Về mức trợ cấp thai sản:  Mức trợ cấp thai sản là 2.000.000 đồng cho mỗi con được sinh ra và mỗi thai từ 22 tuần tuổi trở lên chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ. Lao động nữ là người dân tộc thiểu số hoặc lao động nữ là người dân tộc Kinh có chồng là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo khi sinh con còn được hưởng chính sách hỗ trợ khác theo quy định của Chính phủ. Ngân sách nhà nước bảo đảm thực hiện trợ cấp thai sản này. Chính phủ quyết định điều chỉnh mức trợ cấp thai sản phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ.
Ngoài ra, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 cũng quy định cụ thể về hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thai sản và giải quyết hưởng trợ cấp thai sản trong chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện.
          2. Một số điểm mới của chế độ thai sản trong chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc
Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 đã kế thừa, phát triển những quy định hiện hành phù hợp đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn, sửa đổi các quy định chưa phù hợp, đồng thời bổ sung một số quy định mới, bảo đảm tính khả thi, dài hạn, tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, bổ sung điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con đối với trường hợp phải nghỉ việc để điều trị vô sinh
Khoản 5 Điều 50 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 quy định, lao động nữ sinh con đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng liền kề trước khi sinh con đối với trường hợp phải nghỉ việc để điều trị vô sinh là điều kiện để hưởng chế độ thai sản khi sinh con. Đây là quy định mới so với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, góp phần bảo đảm quyền lợi của lao động nữ.
Thứ hai, tăng thêm 01 ngày hưởng chế độ thai sản khi khám thai; đồng thời quy định số lần nghỉ tối đa là 05 lần (thay vì quy định cứng là 05 lần)
Điều 51 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 quy định về thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi khám thai như sau: (i) Lao động nữ mang thai được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản để đi khám thai tối đa 05 lần, mỗi lần không quá 02 ngày; (ii) Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi khám thai được tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ hằng tuần. Khoản 1 Điều 32 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định: “1. Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày; trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 02 ngày cho mỗi lần khám thai”. Như vậy, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 đã tăng thêm 01 ngày hưởng chế độ thai sản khi khám thai; đồng thời quy định số lần nghỉ tối đa là 05 lần (thay vì quy định cứng là 05 lần).
Thứ ba, quy định trường hợp lao động nữ mang thai từ đủ 22 tuần tuổi trở lên đủ điều kiện quy định mà bị sảy thai, phá thai, thai chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ thì lao động nữ và người chồng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như trường hợp lao động nữ sinh con
Để bảo vệ sức khoẻ của lao động nữ trong trường hợp sảy thai, phá thai, thai chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ, thai ngoài tử cung do người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh thuộc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ định, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 đã sửa đổi giới hạn của tuần tuổi thai được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản tối đa 40 ngày và 50 ngày. Theo đó, thay vì nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi được nghỉ tối đa 40 ngày và nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên được nghỉ tối đa 50 ngày thì Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 quy định được nghỉ tối đa 40 ngày nếu thai từ đủ 13 tuần tuổi đến dưới 22 tuần tuổi; tối đa 50 ngày nếu thai từ đủ 22 tuần tuổi trở lên. Bên cạnh đó, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 đã  bổ sung quy định trường hợp lao động nữ mang thai từ đủ 22 tuần tuổi trở lên đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 mà bị sảy thai, phá thai, thai chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ thì lao động nữ và người chồng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như trường hợp lao động nữ sinh con.
Thứ tư, sửa đổi quy định thời gian hưởng chế độ thai sản đối với trường hợp sau khi sinh con chết
Để bảo đảm phù hợp, khả thi, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 đã bỏ quy định: “Trường hợp sau khi sinh con, nếu con dưới 02 tháng tuổi bị chết thì mẹ được nghỉ việc 04 tháng tính từ ngày sinh con; nếu con từ 02 tháng tuổi trở lên bị chết thì mẹ được nghỉ việc 02 tháng tính từ ngày con chết, nhưng thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản không vượt quá thời gian quy định tại khoản 1 Điều này; thời gian này không tính vào thời gian nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động”.
Đồng thời, để bảo vệ quyền lợi của lao động nữ khi sinh con mà con chết, khoản 4 Điều 53 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 quy định trường hợp lao động nữ mang thai đôi trở lên mà khi sinh nếu có thai chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ thì thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản và trợ cấp một lần khi sinh con được tính theo số thai bao gồm cả con sống, con chết và thai chết.
Thứ năm, bổ sung một số quy định về thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của người chồng khi vợ sinh con
Khoản 2 Điều 53 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 quy định, lao động nam đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản với thời gian như sau: 05 ngày làm việc; 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật hoặc sinh con dưới 32 tuần tuổi. Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc. Trường hợp sinh ba trở lên thì được nghỉ thêm 03 ngày làm việc cho mỗi con tính từ con thứ ba trở đi. Trường hợp vợ sinh đôi phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc. Trường hợp sinh ba trở lên phải phẫu thuật thì được nghỉ thêm 03 ngày làm việc cho mỗi con tính từ con thứ ba trở đi. Đồng thời, khoản 3 Điều 53 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 quy định, ngày bắt đầu nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định nêu trên phải trong khoảng thời gian 60 ngày kể từ ngày vợ sinh con, trường hợp người lao động nghỉ nhiều lần thì ngày bắt đầu nghỉ việc của lần cuối cùng phải trong khoảng thời gian 60 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con và tổng thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản không quá thời gian quy định nêu trên. Như vậy, so với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, quy định về thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của lao động nam đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi vợ sinh con về cơ bản giữ nguyên và bổ sung hai nội dung sau: (i) Bổ sung “Trường hợp vợ sinh đôi phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc. Trường hợp sinh ba trở lên phải phẫu thuật thì được nghỉ thêm 03 ngày làm việc cho mỗi con tính từ con thứ ba trở đi” (trước đây chỉ dự kiến trường hợp vợ sinh đôi phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc); (ii) Sửa đổi ngày bắt đầu hưởng chế độ thai sản của lao động nam khi vợ sinh con là trong khoảng thời gian 60 ngày kể từ ngày vợ sinh con thay cho quy định cũ là trong khoảng thời gian 30 ngày; (iii) Bổ sung quy định cho phép lao động nam có thể nghỉ nhiều lần, miễn là bảo đảm ngày bắt đầu nghỉ việc của lần cuối cùng phải trong khoảng thời gian 60 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con và trong phạm vi tổng thời gian được nghỉ.
3. Bổ sung quy định người lao động được quỹ bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng
Khoản 2 Điều 84 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội để đóng bảo hiểm y tế cho người đang hưởng lương hưu hoặc nghỉ việc hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng hoặc nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi hoặc nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau đối với người lao động bị mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành. Để quy định rõ ràng, cụ thể hơn về vấn đề này, điểm c khoản 2 Điều 119 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 quy định sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội để chi đóng bảo hiểm y tế cho người nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng./.
Lê Nguyên Thảo
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật
Các tin đã đưa ngày: