Liên kết website

Kiểm tra công tác hòa giải ở cơ sở, đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại xã Giao Long, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre

22/10/2024

Thực hiện Quyết định số 1945/QĐ-BTP ngày 15/10/2024 về việc thành lập Đoàn kiểm tra công tác hòa giải ở cơ sở, đánh giá, công nhận cấp xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại tỉnh Bến Tre, ngày 22/10/2024, Đoàn kiểm tra do bà Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp làm Trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra công tác hòa giải ở cơ sở, đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại xã Giao Long, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.

Tham dự kiểm tra, về phía địa phương có bà Phan Kim Phụng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bến Tre; ông Võ Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân (UBND) huyện, Chủ tịch Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật huyện Châu Thành; bà Phan Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Giao Long; ông Thái Thanh Hùng - Quyền Chủ tịch UBND xã Giao Long; đại diện các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, các công chức chuyên môn của UBND xã; Trưởng các ấp, Tổ trưởng Tổ Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn xã Giao Long, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.

Toàn cảnh buổi làm việc


Thành viên Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra hồ sơ
Nội dung kiểm tra tập trung vào các hoạt động chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở, đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; nguồn lực bảo đảm, những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc của địa phương trong triển khai công tác này. Đoàn kiểm tra đã tiến hành xem xét thực tế hồ sơ đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2023; hồ sơ thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở năm 2023, 2024 được lưu trữ tại Ủy ban nhân dân xã.

Kiểm tra thực tế tại trụ sở Ủy ban nhân xã Giao Long
 
Qua kiểm tra cho thấy, công tác hòa giải ở cơ sở, đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đã được Hội đồng nhân dân, UBND quan tâm triển khai thực hiện. UBND xã đã ban hành các văn bản triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, quan tâm củng cố, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên. Hiện nay, trên địa bàn xã hiện có 6 tổ hòa giải với 37 hòa giải viên. Mỗi tổ có từ 04 đến 09 hòa giải viên, đảm bảo thành phần, huy động được lực lượng công an viên, người có uy tín trong cộng đồng tham gia công tác hòa giải ở cơ sở. Năm 2023, các tổ hòa giải trên địa bàn xã đã tiếp nhận tổng số 03 vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở, hòa giải thành 03/03 vụ, đạt tỷ lệ 100%. Trong 10 tháng đầu năm 2024 hòa giải 04 vụ việc, hòa giải thành 04/04 vụ, đạt tỷ lệ 100%. Việc chi thù lao cho hòa giải viên, chi hỗ trợ hoạt động của tổ hòa giải đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật, qua đó góp phần tạo điều kiện khuyến khích hòa giải viên tích cực tham gia công tác hòa giải cơ sở tại địa phương.

Đồng chí Võ Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, Chủ tịch Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật huyện Châu Thành phát biểu tại buổi làm việc


Đồng chí Thái Thanh Hùng, Quyền Chủ tịch UBND xã Giao Long báo cáo kết quả triển khai công tác hòa giải ở cơ sở, đánh giá, công nhận chuẩn tiếp cận pháp luật

 
 Đối với công tác đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, UBND xã quan tâm triển khai nhiệm vụ đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận luật. Hàng năm xã đều xác định các nhiệm vụ về công tác đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong Kế hoạch triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), hoà giải ở cơ sở, đánh giá công nhận chuẩn tiếp cận pháp luật. Cơ bản các chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật được xã thực hiện đúng quy định pháp luật. Trong đó có nội dung thực hiện tốt như: Ban hành và triển khai Kế hoạch công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, tiếp cận pháp luật hàng năm; bồi dưỡng, tập huấn cho tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên ở cơ sở; tổ chức Hội nghị trao đổi đối thoại giữa chính quyền cấp xã với người dân, tiếp công dân, giải quyết thủ tục hành chính, tiêu chí về an toàn, an ninh trật tự; bố trí kinh phí cho công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở.

Đồng chí Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Trưởng đoàn kiểm tra phát biểu kết luận
 
Thay mặt Đoàn kiểm tra, đồng chí Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp - Trưởng đoàn ghi nhận sự tích cực, nỗ lực và kết quả đạt được của Đảng ủy, chính quyền xã Giao Long trong triển khai công tác hòa giải ở cơ sở, đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật trước bối cảnh phải đảm nhận khối lượng công việc ngày càng nhiều, nguồn lực hạn chế, lại có sự biến động về nhân sự. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, qua kiểm tra cho thấy các công tác này của xã Giao Long vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Chưa ban hành văn bản phân công các công chức chuyên môn cấp xã theo dõi các chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật; chưa kịp thời ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở xã theo quy định tại Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022; chưa ban hành Quy chế nội bộ về cung cấp thông tin của xã; việc lập, cập nhật Danh mục thông tin phải công khai chưa bảo đảm theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin năm 2016. Tài liệu kiểm chứng tại một số chỉ tiêu, tiêu chí chưa đầy đủ, việc lưu trữ hồ sơ tài liệu đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật chưa khoa học. Năm 2023, xã không được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật do có trường hợp Chủ tịch UBND xã bị xử lý kỷ luật do có hành vi vi phạm pháp luật trong thi hành công vụ.
Để triển khai và nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, Trưởng đoàn kiểm tra đề nghị chính quyền xã Giao Long cần nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò, ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở, đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, có giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế. Việc đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg và Thông tư số 09/2021/TT-BTP là nhiệm vụ thường xuyên, độc lập và phải bảo đảm thực chất, tránh hình thức. Kịp thời đề nghị cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn, giải quyết các khó khăn, vướng mắc gặp phải trong quá trình triển khai nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, Trưởng đoàn kiểm tra cũng đề nghị Sở Tư pháp tỉnh Bến Tre, Phòng Tư pháp huyện Châu Thành tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, theo dõi việc thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị cấp xã trên địa bàn; nâng cao trách nhiệm của Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật trong thẩm định hồ sơ xét công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của cấp xã; chú trọng việc tổ chức tập huấn, kiểm tra chuyên đề về PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, tiếp cận pháp luật, để từ đó hỗ trợ, giải đáp các vấn đề mà cơ sở còn lúng túng, khó khăn, vướng mắc; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre, Ủy ban nhân dân huyện Châu Thành quan tâm bố trí kinh phí, nhân lực bảo đảm thực hiện tốt hơn nữa các nhiệm vụ về PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật trong thời gian tới./.
         
Nguyễn Thị Tâm
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật
Các tin đã đưa ngày: