Quy chế quy định, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (gọi tắt là EVN) là công ty mẹ trong Tập đoàn Điện lực quốc gia Việt Nam, được tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu theo Quyết định số 975/QĐ-TTg ngày 25/06/2010. Nhà nước là chủ sở hữu của EVN. Chính phủ thống nhất quản lý và tổ chức thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu Nhà nước đối với EVN.
EVN được quyền chủ động số vốn Nhà nước đầu tư, các loại vốn khác, các quỹ do EVN quản lý vào hoạt động kinh doanh của mình; đồng thời, được huy động vốn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để đáp ứng nhu cầu vốn theo quy định của pháp luật và tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn, hoàn trả đầy đủ cả gốc và lãi vay cho chủ nợ mà EVN đã cam kết. Trong đó, việc huy động vốn của EVN phải đảm bảo hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của EVN không vượt quá 03 lần, bao gồm cả các khoản bảo lãnh vay vốn đối với doanh nghiệp có vốn góp của EVN.
Hình thức huy động vốn của EVN có thể là phát hành trái phiếu, tín phiếu, kỳ phiếu; vay vốn của các tổ chức tín dụng, các tổ chức tài chính khác, của cá nhân, tổ chức ngoài doanh nghiệp hoặc vay vốn của người lao động và các hình thức huy động vốn khác theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, EVN không được huy động vốn để đầu tư vào các lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư, bất động sản và tài chính.
EVN được quyền sử dụng vốn của EVN để đầu tư ra ngoài EVN thuộc các ngành nghề kinh doanh được quy định trong Điều lệ tổ chức hoạt động của EVN. Việc đầu tư vốn ra ngoài EVN phải tuân thủ các quy định của pháp luật và đảm bảo nguyên tắc có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn, tăng thu nhập và không làm thay đổi mục tiêu hoạt động của EVN. EVN không được nhận đầu tư, góp vốn từ các công ty con của EVN, từ các công ty con của doanh nghiệp cấp II và các cấp tiếp theo; các công ty con do EVN nắm giữ 100% vốn điều lệ không được góp vốn mua cổ phần khi cổ phần hóa các đơn vị của EVN.
EVN được phép đầu tư ra nước ngoài đối với các hoạt động nhằm hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp cho việc đầu tư các dự án điện ở nước ngoài, bao gồm: nghiên cứu thị trường và cơ hội đầu tư; khảo sát thực địa; nghiên cứu tài liệu; thu thập và mua tài liệu, thông tin có liên quan đến lựa chọn dự án điện; tổng hợp, đánh giá, thẩm định, kể cả việc thuê chuyên gia tư vấn để đánh giá, thẩm định; tham gia, tổ chức hội thảo, hội nghị khoa học; hoạt động của các văn phòng đại diện, văn phòng liên lạc, chi nhánh, văn phòng điều hành của EVN ở nước ngoài liên quan đến việc hình thành dự án điện….
EVN có quyền điều chuyển các tài sản gồm hệ thống điện, vật tư, thiết bị phục vụ trực tiếp cho sản xuất kinh doanh điện thuộc các doanh nghiệp do EVN nắm giữ 100% vốn điều lệ để phục vụ sản xuất kinh doanh hoặc theo phương án tái cơ cấu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; được quyền chủ động thực hiện nhượng bán, thanh lý tài sản đã hư hỏng, lạc hậu kỹ thuật, kém mất phẩm chất, không có nhu cầu sử dụng hoặc không sử dụng được để thu hồi vốn trên nguyên tắc công khai, minh bạch, bảo toàn vốn. Trường hợp nhượng bán, thanh lý tài sản hình thành từ vốn vay lại của Chính phủ, từ vốn vay được Chính phủ bảo lãnh khi khoản vay còn dư nợ thì phải có ý kiến chấp thuận của Nhà tài trợ (đối với khoản vay lại Chính phủ) hoặc của Người cho vay (đối với khoản vay có bảo lãnh Chính phủ) và ý kiến của Bộ Tài chính trước khi nhượng bán, thanh lý.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2014. Thay thế quy định về quản lý tài chính đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 1876/QĐ-BTC ngày 05 tháng 8 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.