Thông tư này áp dụng đối với ban quản lý chợ hoặc tổ chức kinh doanh khai thác và quản lý chợ; tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh nông sản trong chợ đầu mối, đấu giá nông sản.
Thông tư quy định: Sản phẩm kinh doanh tại chợ phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo truy xuất được nguồn gốc sản phẩm theo quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Phương tiện, dụng cụ chứa đựng sản phẩm phải làm bằng vật liệu bền, không thấm nước, không rỉ sét, không bị ăn mòn, có kết cấu dễ làm vệ sinh; không vận chuyển sản phẩm cùng với hàng hóa khác có thể gây nhiễm bẩn cho thực phẩm; việc bốc xếp, vận chuyển sản phẩm phải nhanh, gọn để không làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và không gây ô nhiễm cho sản phẩm.
Chợ đầu mối, chợ đấu giá nông sản phải đáp ứng các điều kiện: Phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới chợ trên phạm vi toàn quốc và từng địa phương; có đường giao thông đi lại thuận tiện cho việc vận chuyển, bốc dỡ sản phẩm; có nguồn nước, nguồn điện đáp ứng yêu cầu sử dụng; không bị ngập nước, đọng nước; không bị ảnh hưởng bởi các nguồn gây ô nhiễm. Mặt bằng chợ phải được bố trí hợp lý giữa các khu vực để tránh khả năng lây nhiễm cho sản phẩm, đảm bảo hoạt động của chợ thuận tiện. Nền chợ có bề mặt cứng, chịu tải trọng, mài mòn; thoát nước tốt, không gây trơn trượt và dễ làm vệ sinh; nền có độ nghiêng thích hợp, có chiều thoát nước từ khu vực sạch sang khu vực kém sạch hơn để tránh ô nhiễm. Trần hoặc mái che phải đảm bảo chắc chắn, thông thoáng, không bị dột, thấm nước, không rạn nứt, rêu mốc, đọng nước và dính bám các chất bẩn. Chợ phải được chiếu sáng đầy đủ bằng ánh sáng tự nhiên hoặc nhân tạo. Nơi bày bán phải được bố trí để khách hàng dễ dàng tiếp cận và đánh giá được chất lượng sản phẩm, đảm bảo tránh làm nhiễm bẩn sản phẩm. Hệ thống thông gió phù hợp với yêu cầu bảo quản sản phẩm, bảo đảm thông thoáng ở các khu vực bày bán sản phẩm.
Trang thiết bị, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm phải được sản xuất từ nguyên liệu phù hợp, bảo đảm không thôi nhiễm các chất độc hại, mùi vị lạ vào sản phẩm; không bị rỉ sét; bề mặt tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm dễ làm vệ sinh và khử trùng; vệ sinh sạch sẽ trước và sau khi kết thúc hoạt động mua bán, được bảo dưỡng, bảo trì định kỳ.
Chợ đầu mối, chợ đấu giá nông sản phải có quy định về quy trình và chế độ vệ sinh tại chợ; có đủ dụng cụ, thiết bị làm vệ sinh và khử trùng tùy theo quy mô của chợ; có khu vực riêng cất giữ các dụng cụ thiết bị làm vệ sinh. Nhà vệ sinh ngăn cách với khu vực kinh doanh, được duy trì điều kiện vệ sinh sạch sẽ, bố trí nhà vệ sinh nam, nữ riêng biệt; số lượng nhà vệ sinh đảm bảo công năng sử dụng tùy theo quy mô của chợ.
Đối với hộ, cơ sở kinh doanh tại chợ: Chủ cơ sở và người trực tiếp kinh doanh thực phẩm tại chợ phải có Giấy xác nhận kiến thức về ATTP theo quy định tại Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT ngày 09/4/2014 hướng dẫn việc phân công, phối hợp trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; phải được khám sức khỏe và có xác nhận đủ sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế; vệ sinh sạch sẽ trước khi tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm và sau khi đi vệ sinh; giữ vệ sinh chung, không khạc nhổ, vứt rác bừa bãi trong khu vực kinh doanh tại chợ; thực hiện việc quét dọn, tẩy rửa, khử trùng sau khi kết thúc kinh doanh trong ngày tại địa điểm kinh doanh của mình; sử dụng các trang thiết bị, dụng cụ chứa đựng sản phẩm sạch, đảm bảo không là nguồn gây ô nhiễm cho sản phẩm; không bày bán sản phẩm đã sơ chế, chế biến trực tiếp trên nền chợ; chỉ sử dụng các hóa chất tẩy rửa, sát trùng theo quy định của Bộ Y tế để vệ sinh các trang thiết bị, dụng cụ.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2015.