Thông tư quy định phải công khai kết quả và các thông tin, dữ liệu có liên quan đến việc nhận định tình hình tham nhũng, đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng trừ nội dung thuộc bí mật Nhà nước. Kết quả nhận định tình hình tham nhũng và đánh giá công tác phòng chống tham nhũng chỉ có giá trị tham khảo, nhằm phân tích, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng; không mang tính chất phân loại, xếp hạng giữa các Bộ, ngành, địa phương.
Thời gian lấy số liệu báo cáo được tính từ ngày 16/12 năm trước đến 15/12 của năm báo cáo. Nhận định tình hình tham nhũng gồm các nội dung: Mức độ phổ biển của hành vi tham nhũng (rất phổ biến; phổ biến; ít phổ biến; không phổ biến); mức độ thiệt hại do tham nhũng (thiệt hại rất lớn; thiệt hại lớn; thiệt hại trung bình; thiệt hại thấp; không thiệt hại); mức độ nghiêm trọng của hành vi tham nhũng (đặc biệt nghiêm trọng; rất nghiêm trọng; nghiêm trọng; ít nghiêm trọng; không nghiêm trọng). Phương pháp nhận định tình hình tham nhũng được các bộ, ngành, địa phương tự nhận định theo các nội dung nhận định tình hình tham nhũng kể trên và được tính theo thang điểm 100.
Việc đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng được thực hiện theo các nội dung: Chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống tham nhũng; xây dựng, tổ chức thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng. Tuy nhiên các bộ, ngành, địa phương có thể bổ sung các nội dung về đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng cho phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước của ngành, lĩnh vực hoặc địa phương, đồng thời tiến hành tự đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng trong phạm vi ngành, lĩnh vực, địa phương thuộc thẩm quyền quản lý căn cứ vào số điểm tổng hợp trên thang điểm 100.
Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2015, thay thế Thông tư số 11/2011/TT-TTCP ngày 09 tháng 11 năm 2011.