Liên kết website

Thông tư số 31/2014/TT-NHNN ngày 11/11/2014 của Ngân hàng Nhà nước sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 35/2013/TT-NHNN ngày 31/12/2013 hướng dẫn thực hiện một số quy định về phòng, chống rửa tiền

16/12/2014

Ngày 11/11/2014, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 31/2014/TT-NHNN về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 35/2013/TT-NHNN ngày 31/12/2013 hướng dẫn thực hiện một số quy định về phòng, chống rửa tiền.

 

Thông tư đã sửa đổi một số quy định về biện pháp đánh giá tăng cường đối với khách hàng có rủi ro cao; danh sách cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị; báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử. Ngoài ra, Thông tư cũng bổ sung một số quy định như: Phân công, kiểm toán và đào tạo, bồi dưỡng về phòng, chống rửa tiền và phòng, chống tài trợ khủng bố.

Về đánh giá tăng cường đối với khách hàng có rủi ro cao, Thông tư quy định đối với khách hàng cá nhân có rủi ro cao, thì các tổ chức tài chính cần thu thập bổ sung thông tin về mức thu nhập trung bình hàng tháng trong vòng ít nhất 3 tháng gần nhất (Thông tư số 35 là 06 tháng gần nhất) của khách hàng. Đồng thời, bổ sung thêm thông tin về tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc của cơ quan, tổ chức hoặc chủ cơ sở nơi làm việc hoặc có thu nhập chính của khách hàng.

Đối với khách hàng là tổ chức, yêu cầu bổ sung thông tin về tổng doanh thu trong 02 năm gần nhất; tên, địa chỉ, người đại diện theo pháp luật hoặc theo uỷ quyền của công ty mẹ (nếu khách hàng là công ty con) hoặc danh sách tên, địa chỉ, người đại diện theo pháp luật hoặc theo uỷ quyền của chi nhánh, công ty con, văn phòng đại diện (nếu khách hàng là công ty mẹ).

Về báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử, tổ chức tài chính được phép thực hiện dịch vụ thanh toán trong nước, quốc tế phải báo cáo Cục Phòng, chống rửa tiền từng giao dịch chuyển tiền điện tử trong nước có mức giá trị từ 500 triệu đồng trở lên hoặc ngoại tệ có giá trị tương đương và giao dịch chuyển tiền điện tử quốc tế ra vào Việt Nam có mức giá trị từ 1.000 đô la mỹ trở lên hoặc bằng ngoại tệ khác có giá trị tương đương.

Tổ chức tài chính, tổ chức kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan phải phân công một thành viên Ban lãnh đạo hoặc người được Ban lãnh đạo ủy quyền chịu trách nhiệm về tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền tại đơn vị và đăng ký với Cục Phòng, chống rửa tiền kèm các thông tin chi tiết như họ tên, địa chỉ nơi làm việc, số điện thoại, số fax, địa chỉ hòm thư điện tử để liên lạc khi cần thiết. Hàng năm, tổ chức tài chính, tổ chức kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan phải tiến hành kiểm toán nội bộ về phòng, chống rửa tiền (có thể được tiến hành độc lập hoặc kết hợp với các nội dung khác). Nội dung kiểm toán nội bộ bao gồm: kiểm tra, rà soát, đánh giá một cách độc lập, khách quan hệ thống kiểm soát nội bộ, việc tuân thủ quy chế nội bộ và kiến nghị, đề xuất các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác phòng, chống rửa tiền.

Hàng năm, tổ chức tài chính, tổ chức kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan phải đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhân viên chuyên trách hoặc bán chuyên trách phòng, chống rửa tiền và cán bộ, nhân viên được giao nhiệm vụ liên quan đến giao dịch tiền, tài sản với khách hàng về nghiệp vụ phòng, chống rửa tiền. Nhân viên mới tuyển dụng dự kiến đảm trách nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền và các nhiệm vụ khác liên quan đến giao dịch tiền, tài sản với khách hàng phải được đào tạo kiến thức, nghiệp vụ phòng, chống rửa tiền trong vòng 06 tháng kể từ ngày được tuyển dụng.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 26/12/2014.

Các tin đã đưa ngày: