Liên kết website

Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09/ 01/ 2015 của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập

24/04/2015

Ngày 09/01/ 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 04/2015/NĐ-CP về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

 

Nghị định có 4 chương, 18 điều (ít hơn 18 điều so với Nghị định 71/1998/NĐ-CP ngày 08 /9 /1998 của Chính phủ về ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan) áp dụng đối với cán bộ, công chức (quy định tại Điều 4 Luật cán bộ, công chức) làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước từ Trung ương đến cấp huyện; viên chức (theo quy định tại Điều 2 Luật viên chức) làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/ 11/ 2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp, có trong danh sách trả lương và là đoàn viên công đoàn của cơ quan, đơn vị. Cán bộ, công chức cấp xã thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan theo quy định tại Nghị định này và các quy định tại Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Như vậy, Nghị định 04/2015/NĐ-CP đã quy định cụ thể đối tượng áp dụng là cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập (không chung chung là cơ quan như Nghị định 71/1998/NĐ-CP); bổ sung cán bộ, công chức cấp xã là đối tượng áp dụng mới của Nghị định đã tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện quy chế dân chủ suốt 16 năm qua.

Nghị định quy định cụ thể yêu cầu của việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và của cán bộ, công chức, viên chức; những việc phải công khai để cán bộ, công chức, viên chức biết; những việc cán bộ, công chức, viên chức tham gia ý kiến, người đứng đầu cơ quan, đơn vị quyết định; những việc cán bộ, công chức, viên chức giám sát, kiểm tra; dân chủ trong quan hệ và giải quyết công việc với công dân, cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan.

Theo Nghị định số 04/2015/NĐ-CP, tên gọi Hội nghị cán bộ, công chức theo Nghị định 71/1998/NĐ-CP nay được đổi thành Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức để thể hiện đầy đủ đối tượng áp dụng của Nghị định, tránh trường hợp mỗi đơn vị gọi mỗi tên khác nhau như thực tế hiện nay.

Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 25/02/2015 và thay thế Nghị định số 71/1998/NĐ-CP ngày 08/ 9/ 1998 của Chính phủ.

Các tin đã đưa ngày: