Liên kết website

Thông tư số 04/2015/TT-BNNPTNT hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ

24/04/2015

Ngày 12/02/2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 04/2015/TT-BNNPTNT hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý, mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.

 Theo đó, cấm xuất khẩu gỗ tròn, gỗ xẻ các loại từ rừng tự nhiên trong nước và xuất khẩu các sản phẩm làm từ gỗ thuộc nhóm IA do Chính phủ quy định vì mục đích thương mại.

Gỗ và sản phẩm chế biến từ gỗ chỉ được xuất khẩu khi có hồ sơ lâm sản hợp pháp theo quy định của pháp luật. Khi xuất khẩu, thương nhân phải kê khai hàng hóa với cơ quan hải quan về số lượng, chủng loại và chịu trách nhiệm về nguồn gốc gỗ hợp pháp. Đối với các loại củi, than, thương nhân không phải xin phép khi xuất khẩu, chỉ phải kê khai số lượng, chủng loại và chịu trách nhiệm về nguồn gốc hàng hóa hợp pháp. Riêng đối với gỗ và sản phẩm làm từ gỗ thuộc các Phụ lục của CITES, phải có Giấy phép do cơ quan quản lý CITES Việt Nam cấp; Giấy phép có hiệu lực tối đa 06 tháng kể từ ngày được cấp.

Về xuất, nhập khẩu giống cây trồng, Thông tư quy định, thương nhân muốn xuất khẩu giống cây trồng có trong Danh mục nguồn gen cây trồng quý hiếm trao đổi quốc tế trong trường hợp đặc biệt và Danh mục nguồn gen cây trồng quý hiếm hạn chế trao đổi quốc tế, phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Với những giống cây trồng không có trong Danh mục hạn chế trao đổi quốc tế, trao đổi trong trường hợp đặc biệt và cấm xuất khẩu, để được xuất khẩu, thương nhân phải có Giấy phép do Tổng cục Lâm nghiệp hoặc Cục Trồng trọt cấp theo quy định của pháp luật.

Về xuất khẩu giống vật nuôi cần giấy phép: Thương nhân trao đổi với nước ngoài những giống vật nuôi quý hiếm có trong Danh mục giống vật nuôi quý hiếm cấm xuất khẩu và Danh mục nguồn gen vật nuôi quý hiếm cần bảo tồn để phục vụ nghiên cứu khoa học hoặc các mục đích đặc biệt khác do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định. Đối với trường hợp Thương nhân được xuất khẩu giống vật nuôi không có trong Danh mục giống vật nuôi quý hiếm cấm xuất khẩu và Danh mục nguồn gen vật nuôi quý hiếm cần bảo tồn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, thì xuất khẩu không cần giấy phép.

Về nhập khẩu giống vật nuôi có giấy phép: Nhập khẩu tinh, phôi, môi trường pha loãng bảo tồn tinh giống vật nuôi phải được sự đồng ý bằng văn bản của Cục Chăn nuôi; thương nhân nhập khẩu giống vật nuôi ngoài Danh mục giống vật nuôi được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam để nghiên cứu, khảo nghiệm hoặc trong các trường hợp đặc biệt khác phải được sự đồng ý bằng văn bản của Cục Chăn nuôi.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 29/03/2015.

 

Các tin đã đưa ngày: