Liên kết website

Thông tư số 17/2015/TT-BLĐTBXH ngày 22/4/2015 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn xây dựng thang lương, bảng lương, phụ cấp lương và chuyển xếp lương đối với người lao động trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ

02/06/2015

Ngày 22/ 4. 2015, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 17/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn xây dựng thang lương, bảng lương, phụ cấp lương và chuyển xếp lương đối với người lao động trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu theo Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ Luật lao động về tiền lương.

 

Các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu theo Nghị định số 49/2013/NĐ-CP bao gồm: công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên độc lập thuộc các Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là công ty mẹ của Tập đoàn kinh tế  nhà nước, công ty mẹ trong mô hình công ty mẹ - công ty con do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chuyển đổi, thành lập.

Theo Thông tư, công ty có trách nhiệm thống kê, rà soát các chức danh nghề, công việc hiện tại của lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh, lao động chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành, phục vụ và lao động quản lý; phân tích đánh giá, sửa đổi tên chức danh nghề, công việc không phù hợp, bổ sung tên, chức danh nghề, công việc mới, phân loại và nhóm các chức danh nghề, công việc tương tự thành nhóm chức danh nghề, công việc. Công ty rà soát việc phân loại điều kiện lao động của các chức danh nghề, công việc trong công ty, trong đó, đối với chức danh nghề, công việc đã được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội công nhận nghề, công việc có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì công ty sử dụng làm cơ sở để xác định mức lương theo điều kiện lao động. Mức lương thấp nhất áp dụng đối với chức danh, công việc có độ phức tạp thấp nhất trong điều kiện lao động bình thường, không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. Mức lương trung bình áp dụng đối với chức danh, công việc đòi hỏi mức độ phức tạp trung bình, được xác định đối với chức danh, công việc yêu cầu người lao động tốt nghiệp đại học và tương đương đã qua thời gian thử việc và xác định trong khoảng từ 1,5 đến 2,34 lần so với mức lương thấp nhất.

Tùy theo yêu cầu của tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, công ty xác định các thang lương, bảng lương cần xây dựng cho phù hợp như thang lương của lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh; bảng lương của lao động chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ, phục vụ… Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định một số chế độ phụ cấp lương như: chế độ phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; chế độ phụ cấp trách nhiệm; chế độ phụ cấp lưu động; chế độ phụ cấp thu hút…

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/ 6/ 2015.

Các tin đã đưa ngày: