Nghị định này áp dụng với người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, chủ sở hữu, người quản lý, sử dụng công trình, nhà thầu trong nước, nhà thầu nước ngoài, các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến công tác quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng.
Theo đó, trình tự quản lý chất lượng khảo sát xây dựng gồm: Lập và phê duyệt nhiệm vụ khảo sát xây dựng; lập và phê duyệt phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng; quản lý chất lượng công tác khảo sát xây dựng; nghiệm thu, phê duyệt kết quả khảo sát xây dựng. Đối với việc quản lý chất lượng thiết kế xây dựng công trình, chủ đầu tư lập hoặc thuê tổ chức, cá nhân có năng lực phù hợp lập nhiệm vụ thiết kế xây dựng công trình. Đồng thời, phải bố trí đủ người có kinh nghiệm và chuyên môn phù hợp để thực hiện thiết kế; cử người có đủ điều kiện năng lực để làm chủ nhiệm đồ án thiết kế, chủ trì thiết kế; chỉ sử dụng kết quả khảo sát đáp ứng được yêu cầu của bước thiết kế và phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn được áp dụng cho công trình. Còn với chất lượng thi công xây dựng công trình phải được kiểm soát từ công đoạn mua sắm, sản xuất, chế tạo các sản phẩm xây dựng, vật liệu xây dựng, cấu kiện và thiết bị được sử dụng vào công trình cho tới công đoạn thi công xây dựng, chạy thử và nghiệm thu đưa hạng mục công trình, công trình hoàn thành vào sử dụng.
Nghị định cũng quy định trình tự thực hiện bảo trì công trình xây dựng, cụ thể, bao gồm các bước: lập và phê duyệt quy trình bảo trì công trình xây dựng; lập kế hoạch và dự toán kinh phí bảo trì công trình xây dựng; thực hiện bảo trì và quản lý chất lượng công việc bảo trì; đánh giá an toàn chịu lực và an toàn vận hành công trình; lập và quản lý hồ sơ bảo trì công trình xây dựng. Chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng công trình lập kế hoạch bảo trì công trình xây dựng hằng năm trên cơ sở quy trình bảo trì được phê duyệt và hiện trạng công trình. Chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng công trình tự tổ chức thực hiện việc kiểm tra, bảo dưỡng và sửa chữa công trình theo quy trình bảo trì công trình được phê duyệt nếu đủ điều kiện năng lực hoặc thuê tổ chức có đủ điều kiện năng lực thực hiện. Đối với công trình quan trọng quốc gia, công trình quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng phải được tổ chức đánh giá định kỳ về an toàn của công trình trong quá trình khai thác sử dụng.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2015 và thay thế Nghị định số 114/2010/NĐ-CP ngày 06/12/2010 của Chính phủ về bảo trì công trình xây dựng và Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng trừ các nội dung liên quan đến thẩm tra thiết kế của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng.