Thông tư này hướng dẫn hoạt động nhập, xuất, mua, bán hàng dự trữ quốc gia (trừ xuất hàng dự trữ quốc gia cứu trợ, viện trợ). Đối tượng áp dụng của Thông tư là các đơn vị dự trữ quốc gia, các tổ chức, doanh nghiệp nhận hợp đồng thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia. Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động nhập, xuất, mua, bán hàng dự trữ quốc gia.
Theo Thông tư, nhập hàng dự trữ quốc gia bao gồm các trường hợp: nhập mua tăng hàng dự trữ quốc gia thuộc chỉ tiêu kế hoạch luân phiên đổi hàng; nhập do điều chuyển nội bộ hàng dự trữ quốc gia; nhập tăng hàng dự trữ quốc gia đối với số lượng hàng khi kiểm kê thực tế lớn hơn so với số lượng của sổ kế toán; nhập hàng dự trữ quốc gia trong trường hợp khác. Xuất hàng dự trữ quốc gia bao gồm các trường hợp: Xuất bán hàng dự trữ quốc gia thuộc chỉ tiêu kế hoạch luân phiên đổi hàng; xuất điều chuyển nội bộ hàng dự trữ quốc gia; xuất hàng dự trữ quốc gia khi thanh lý, tiêu hủy, loại khỏi danh mục chi tiết hàng dự trữ quốc gia; xuất hàng dự trữ quốc gia trong trường hợp khác. Việc dừng nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia được áp dụng cho trường hợp điều chỉnh giá mua, giá bán hàng dự trữ quốc gia theo phương thức mua, bán trực tiếp rộng rãi của mọi đối tượng hoặc theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Đồng thời, Thông tư cũng quy định việc mua hàng dự trữ quốc gia, hàng năm, căn cứ chỉ tiêu kế hoạch được cấp có thẩm quyền giao, các đơn vị được giao nhiệm vụ mua hàng dự trữ quốc gia xây dựng kế hoạch mua hàng dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Việc bán hàng dự trữ quốc gia được thực hiện theo phương thức bán đấu giá. Kế hoạch bán đấu giá được lập cho toàn bộ số lượng, khối lượng hàng dự trữ quốc gia xuất bán trong năm kế hoạch hoặc theo từng quyết định giao nhiệm vụ của cấp có thẩm quyền cho từng nhóm hàng, mặt hàng cụ thể.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/8/2015.