Liên kết website

Nghị quyết số 1020/2011/UBTVQH12 ngày 14 tháng 02 năm 2011 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn một số điểm về việc tổ chức cuộc bầu cử đại biểu quốc hội khóa XII và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016

27/04/2011

Ngày 14 tháng 02 năm 2011, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1020/2011/UBTVQH12 hướng dẫn một số điểm về việc tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.

            Theo đó, người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phải kê khai tài sản, thu nhập theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng; Nghị định số 37/2007/NĐ-CP ngày 09/03/2007 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập… Bản kê khai tài sản, thu nhập của người ứng cử là tài liệu trong Hồ sơ ứng cử.

            Kể từ ngày công bố danh sách những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân, công dân có quyền khiếu nại, tố cáo về người ứng cử. Ban bầu cử phải ghi vào sổ và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị theo thẩm quyền. Trong trường hợp người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị không đồng ý kết quả giải quyết của Ban bầu cử thì có quyền khiếu nại với Ủy ban bầu cử. Quyết định của Ủy ban bầu cử là quyết định cuối cùng.

            Trong thời hạn 10 ngày trước ngày bầu cử, Ban bầu cử, Ủy ban bầu cử ngưng việc tiếp nhận khiếu nại, tố cáo mới về người ứng cử và khiếu nại, kiến nghị về sai sót trong việc lập danh sách người ứng cử. Trong trường hợp những khiếu nại, tố cáo đã rõ ràng, có đủ cơ sở kết luận người ứng cử không đủ tiêu chuẩn đại biểu Hội đồng nhân dân thì Ủy ban bầu cử quyết định xóa tên người đó trong danh sách những người ứng cử trước ngày bầu cử và thông báo cho cử tri biết.

            Với đơn tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo, đơn tố cáo mạo tên người tố cáo hoặc không có chữ ký trực tiếp mà sao chụp chữ ký, đơn tố cáo đã được cấp có thẩm quyền giải quyết nay tố cáo lại nhưng không có bằng chứng mới sẽ không được xem xét, giải quyết.

            Uỷ ban bầu cử chuyển toàn bộ hồ sơ về khiếu nại, tố cáo, kiến nghị chưa được giải quyết và những khiếu nại, tố cáo, kiến nghị đã được giải quyết nhưng đương sự vẫn không đồng ý đến Thường trực Hội đồng nhân dân khoá mới để giải quyết theo thẩm quyền.

            Việc tổ chức vận động bầu cử phải bảo đảm các yêu cầu sau đây: Công khai, dân chủ, bình đẳng, tạo không khí trao đổi thẳng thắn, cởi mở giữa người ứng cử và cử tri; Không được lợi dụng vận động bầu cử để tuyên truyền trái với Hiến pháp và pháp luật hoặc làm tổn hại đến danh dự, uy tín và quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác; Không biến vận động bầu cử thành nơi để khiếu nại, tố cáo hoặc giải quyết khiếu nại, tố cáo; Không được lạm dụng uy tín, chức vụ, quyền hạn trong việc quản lý phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử; Không được lợi dụng vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp ở trong nước và nước ngoài cho tổ chức, cá nhân mình; Không được sử dụng tiền, tài sản của Nhà nước, tập thể và cá nhân để lôi kéo, mua chuộc cử tri; Bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong quá trình vận động bầu cử.

            Ở các địa phương đang thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân sẽ không tổ chức bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường nhiệm kỳ 2011-2016. Không thành lập Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường. Nhưng tại các xã, thị trấn thuộc các huyện này vẫn thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân xã, thị trấn. Đồng thời, tại phường đang thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân thì thành lập Tổ bầu cử để thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

            Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày ký. Nghị quyết này thay thế Nghị quyết số 1078/2007/NQ/UBTVQH11 ngày 29/01/2007.

Các tin đã đưa ngày: