Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2016. Nghị định số 45/2007/NĐ-CP ngày 27/3/2007, Nghị định số 123/2011/NĐ-CP ngày 28/12/2011, Nghị định số 68/2014/NĐ-CP ngày 09/7/2014, Nghị định số 46/2007 ngày 27/3/2007 hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.
Về nguyên tắc tham gia bảo hiểm và cung cấp dịch vụ bảo hiểm tại Việt Nam: Tổ chức, cá nhân muốn hoạt động kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm, hoạt động môi giới bảo hiểm tại Việt Nam phải được Bộ Tài chính cấp Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc đáp ứng các điều kiện về cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu tham gia bảo hiểm có quyền lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm và chỉ được tham gia bảo hiểm tại doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài được phép hoạt động tại Việt Nam, trừ trường hợp sử dụng dịch vụ bảo hiểm qua biên giới theo quy định. Không tổ chức, cá nhân nào được phép can thiệp trái pháp luật đến quyền lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài của bên mua bảo hiểm.
Nội dung hoạt động kinh doanh bảo hiểm: Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài được phép hoạt động theo các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 60 Luật kinh doanh bảo hiểm; Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ không được phép kinh doanh các nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ và ngược lại; Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ được phép kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe; Chi nhánh nước ngoài chỉ được kinh doanh các nghiệp vụ, sản phẩm bảo hiểm mà doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được kinh doanh theo quy định của nước nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính.
Bộ Tài chính ban hành các quy tắc, điều khoản bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với từng loại hình bảo hiểm bắt buộc. Các sản phẩm bảo hiểm do Chính phủ quy định hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định thực hiện theo các văn bản hướng dẫn riêng. Các sản phẩm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe phải được Bộ Tài chính phê chuẩn trước khi triển khai.
Nghị định cũng quy định 5 nhóm hành vi bị cấm trong hoạt động môi giới bảo hiểm: Ngăn cản bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm cung cấp các thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm hoặc xúi giục bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm không kê khai các chi tiết liên quan đến hợp đồng bảo hiểm; Khuyến mại khách hàng dưới hình thức hứa hẹn cung cấp các quyền lợi bất hợp pháp để xúi giục khách hàng giao kết hợp đồng bảo hiểm;. Xúi giục bên mua bảo hiểm hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm hiện có để mua hợp đồng bảo hiểm mới; Tư vấn cho khách hàng mua bảo hiểm tại một doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài với các điều kiện, điều khoản kém cạnh tranh hơn so với doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài khác nhằm thu được hoa hồng môi giới cao hơn; Cung cấp cho khách hàng thông tin sai lệch, không phù hợp nội dung điều kiện, điều khoản bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm.
Tổ chức, cá nhân không được đồng thời làm đại lý cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài khác nếu không được chấp thuận bằng văn bản của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài mà mình đang làm đại lý.
Đại lý bảo hiểm không được thực hiện các hành vi sau đây: Thông tin, quảng cáo sai sự thật về nội dung, phạm vi hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, điều kiện và điều khoản bảo hiểm làm tổn hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của bên mua bảo hiểm; Ngăn cản bên mua bảo hiểm cung cấp các thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm hoặc xúi giục bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm không kê khai các chi tiết liên quan đến hợp đồng bảo hiểm; Tranh giành khách hàng dưới các hình thức ngăn cản, lôi kéo, mua chuộc, đe dọa nhân viên hoặc khách hàng của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm khác; Xúi giục khách hàng hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm đang có hiệu lực dưới mọi hình thức.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.