Liên kết website

Nghị định số 119/2016/NĐ-CP ngày 23/08/2016 của Chính phủ về một số chính sách quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu

31/08/2016

Có hiệu lực từ ngày 10/10/2016, Nghị định số 119/2016/NĐ-CP ngày 23/08/2016 của Chính phủ về một số chính sách quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu, quy định tổ chức kinh tế đầu tư bảo vệ, phát triển rừng ven biển sẽ được miễn tiền thuê rừng ven biển; thời gian miễn tiền thuê rừng phụ thuộc vào thời điểm thuê rừng.

Tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đầu tư bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng ven biển còn được hưởng toàn bộ sản phẩm từ nguồn vốn tự đầu tư; được phát triển các thương hiệu sản phẩm kinh doanh có nguồn gốc từ môi trường rừng và hệ sinh thái rừng ven biển; được bồi thường thành quả lao động, kết quả đầu tư theo quy định khi Nhà nước có quyết định thu hồi rừng.
Chính phủ cũng khẳng định ngân sách Trung ương sẽ bảo đảm kinh phí sự nghiệp kinh tế cho khoán bảo vệ rừng và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên rừng ven biển. Trong đó, mức kinh phí hỗ trợ khoán bảo vệ rừng ven biển tối đa bằng 1,5 lần so với mức bình quân khoán bảo vệ rừng phòng hộ theo quy định hiện hành; mức kinh phí khoanh nuôi tái sinh tự nhiên 04 triệu đồng/ha trong thời gian 05 năm (bình quân 800.000 đồng/ha/năm); kinh phí lập hồ sơ khoán bảo vệ rừng và khoanh nuôi xúc tiến tái tự nhiên 50.000 đồng/ha, chỉ thực hiện năm đầu tiên đối với diện tích mới khoán…
Nguồn vốn đầu tư quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ven biển bao gồm: Ngân sách nhà nước bố trí thông qua các Chương trình, dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt (Chương trình Mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững; Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình Mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh và các chương trình, dự án khác theo quy định hiện hành của nhà nước); Vốn tài trợ, vốn vay quốc tế, vốn ODA và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Cũng theo Nghị định này, Chính phủ đã xác định những hoạt động khuyến khích xã hội hóa đầu tư bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng ven biển, bao gồm: Đầu tư bảo vệ rừng, trồng rừng, trồng cây lâm sản ngoài gỗ, sản xuất nông lâm kết hợp và nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng trong khu vực có rừng ven biển; Đầu tư xây dựng công trình gây bồi, chống xói lở bờ biển, phục hồi rừng ngập mặn ven biển, phát triển du lịch sinh thái và các dịch vụ môi trường rừng trong khu vực rừng được giao, khoán, cho thuê ổn định, lâu dài phù hợp với quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; Các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình được giao đất, khoán rừng, cho thuê rừng ven biển để bảo vệ và phát triển rừng theo quy định của pháp luật; Chủ rừng được liên kết với các tổ chức, cá nhân để thực hiện đầu tư các hoạt động nêu tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 6 của Nghị định này.
Các tin đã đưa ngày: