Liên kết website

Thông tư số 26/2016/TT-NHNN ngày 12/9/2016 của Ngân hàng nhà nước Việt Nam

20/09/2016

Ngày 12/9/2016, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 26/2016/TT-NHNN quy định về giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với Nhà máy In tiền quốc gia (gọi tắt là Nhà máy); Theo đó, Thông tư nhấn mạnh, việc giám sát, kiểm tra, thanh tra Nhà máy In tiền quốc gia phải tuân theo các quy định của pháp luật và bảo đảm tính trung thực, khách quan, chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch; Không làm cản trở hoạt động bình thường của Nhà máy; Không trùng lặp về phạm vi, nội dung, thời gian kiểm tra, thanh tra giữa các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.

Nội dung giám sát tập trung chủ yếu vào giám sát việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước tại Nhà máy; giám sát bảo toàn và phát triển vốn của Nhà máy; giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh và tình hình tài chính của Nhà máy theo quy chế giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động đối với Nhà máy; giám sát hoạt động in, đúc tiền và sản xuất vàng miếng, vật phẩm lưu niệm bằng vàng tại Nhà máy theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước và các quy định khác của pháp luật có liên quan; Giám sát công tác tổ chức, chính sách quản lý người lao động, viên chức quản lý, tiền lương, thu nhập của Nhà máy theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Việc giám sát của Ngân hàng Nhà nước được thực hiện thông qua tổng hợp, phân tích, đánh giá các thông tin, tài liệu, báo cáo của Nhà máy, bao gồm:  Báo cáo tự kiểm tra, giám sát của Nhà máy; Báo cáo kiểm tra, giám sát của Kiểm soát viên Nhà máy do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (gọi tắt là Thống đốc) bổ nhiệm; Các báo cáo kết quả kiểm tra của các Đoàn kiểm tra, kiểm toán, thanh tra đối với Nhà máy; Các đơn thư kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo liên quan đến Nhà máy theo thẩm quyền.
          Về kiểm tra tập trung vào các nội dung: Kiểm tra đối với công tác quản lý tài chính kế toán của Nhà máy, tình hình sản xuất kinh doanh và tình hình bảo toàn và phát triển vốn; Kiểm tra đối với hoạt động in, đúc tiền và sản xuất vàng miếng, vật phẩm lưu niệm bằng vàng của Nhà máy; Kiểm tra công tác tiêu hủy tiền in hỏng, đúc hỏng, giấy in tiền hỏng kim loại đúc tiền hỏng; Kiểm tra đối với công tác tổ chức, quản lý, điều hành, tiền lương và thu nhập của Nhà máy; Kiểm tra công tác kiểm soát nội bộ của Nhà máy; Kiểm tra đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của Kiểm soát viên Nhà máy do Thống đốc bổ nhiệm. Việc kiểm tra được thực hiện thường xuyên hoặc đột xuất.
Về thanh tra: Ngân hàng Nhà nước thực hiện thanh tra toàn diện hoặc theo vụ việc cụ thể phát sinh đối với Nhà máy trong việc chấp hành pháp luật và tuân thủ các quy định của của Ngân hàng Nhà nước và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24/10/2016.
Các tin đã đưa ngày: