Liên kết website

Luật số 03/2011/QH13 về tố cáo

03/01/2012

Ngày 11 tháng 11 năm 2011, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa 13 đã thông qua Luật Tố cáo số 03/2011/QH13.

Luật Tố cáo năm 2011 gồm 8 chương, 50 điều, quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực; bảo vệ người tố cáo và quản lý công tác giải quyết tố cáo.

Điểm nổi bật nhất của Luật Tố cáo là bổ sung một chương mới về bảo vệ người tố cáo (chương 5). Theo đó, Luật xác định trách nhiệm bảo vệ người tố cáo thuộc về người giải quyết tố cáo. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tiếp cận thông tin về người tố cáo trong quá trình giải quyết tố cáo đều có trách nhiệm bảo đảm giữ bí mật các thông tin này, không kể người tố cáo có yêu cầu hay không. Trường hợp nhận được thông tin người tố cáo bị đe dọa, trả thù hay trù dập thì người giải quyết tố cáo phải chủ động hoặc phối hợp với cơ quan công an hoặc cơ quan khác có thẩm quyền áp dụng biện pháp kịp thời ngăn chặn, bảo vệ người tố cáo. Việc quy định người tố cáo phải có văn bản yêu cầu bảo vệ chỉ áp dụng trong trường hợp họ có căn cứ cho rằng, họ bị phân biệt đối xử về việc làm, trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ công dân, hay nguy hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình. Đây cũng là cơ sở để các cơ quan xác định các biện pháp bảo vệ phù hợp, bảo đảm tính khả thi trên thực tiễn, phù hợp với nguyên tắc bảo vệ bí mật thông tin cho người tố cáo.

Để đáp ứng yêu cầu của công tác phòng chống tham nhũng, Luật Tố cáo đã quy định một số nội dung mới về công khai nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm tố cáo.

Luật quy định cụ thể và đầy đủ hơn về quyền và nghĩa vụ của người tố cáo và người bị tố cáo theo hướng sửa đổi, bổ sung thêm một số quyền của người tố cáo như: Quy định việc giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích và thông tin cá nhân khác là quyền đương nhiên của người tố cáo và các cơ quan nhà nước có trách nhiệm thực hiện các biện pháp để bảo đảm quyền này của người tố cáo; được quyền tố cáo tiếp; được khen thưởng theo quy định của pháp luật...

Luật cũng bổ sung quy định người bị tố cáo có quyền được nhận thông báo kết quả giải quyết tố cáo; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người cố ý giải quyết tố cáo trái pháp luật; được xin lỗi, cải chính công khai do việc tố cáo, giải quyết tố cáo không đúng gây ra.

Thời hạn giải quyết tố cáo là 60 ngày, kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết là 90 ngày, kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo; Trong trường hợp cần thiết, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo có thể gia hạn thời hạn giải quyết một lần nhưng không quá 30 ngày; đối với vụ việc phức tạp thì không quá 60 ngày.

Trường hợp quá thời hạn quy định mà tố cáo không được giải quyết hoặc có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo là không đúng pháp luật thì người tố cáo có quyền tố cáo tiếp với người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của người có trách nhiệm giải quyết tố cáo.

Luật Tố cáo có hiệu lực từ 01 tháng 7 năm 2012.

Các quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo trong Luật khiếu nại, tố cáo số 09/1998/QH10 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 26/2004/QH11 và Luật số 58/2005/QH11 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực.

Đối với tố cáo đã được thụ lý, đang xem xét và chưa có kết quả giải quyết trước ngày Luật này có hiệu lực thì được tiếp tục giải quyết theo quy định của Luật khiếu nại, tố cáo số 09/1998/QH10 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 26/2004/QH11 và Luật số 58/2005/QH11.

Các tin đã đưa ngày: