Liên kết website

Thông tư số 21/2012/TT-BGDĐT ngày 15 tháng 6 năm 2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường mầm non dân lập

10/07/2012

Ngày 15/6/2012 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 21/2012/TT-BGDĐT ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường mầm non dân lập.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02 tháng 8 năm 2012.

Theo Quy chế được ban hành kèm theo Thông tư này, nhà trường, nhà trẻ dân lập là cơ sở giáo dục mầm non thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, do cộng đồng dân cư ở thôn, bản, ấp, xã, phường, thị trấn thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bảo đảm kinh phí hoạt động và được chính quyền địa phương hỗ trợ. Nhà trường, nhà trẻ dân lập có tư cách pháp nhân, có con dấu và được mở tài khoản riêng.

Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn là cơ quan quản lý nhà trường, nhà trẻ dân lập trên địa bàn. Phòng giáo dục và đào tạo giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục đối với nhà trường, nhà trẻ dân lập trên địa bàn.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định cho phép thành lập đối với nhà trường, nhà trẻ dân lập;Trưởng phòng giáo dục và đào tạo cho phép hoạt động giáo dục đối với nhà trường, nhà trẻ dân lập.

 Hồ sơ đề nghị cho phép thành lập nhà trường, nhà trẻ dân lập gồm: Tờ trình đề nghị cho phép thành lập; Đề án thành lập; Văn bản xác nhận của cấp có thẩm quyền về khả năng tài chính, cơ sở vật chất; Dự thảo quy hoạch tổng thể mặt bằng và sơ đồ thiết kế sơ bộ các công trình kiến trúc xây dựng.

Hồ sơ đề nghị cho phép hoạt động giáo dục đối với nhà trường, nhà trẻ dân lập gồm: Bản sao Quyết định cho phép thành lập; Tờ trình đề nghị cho phép hoạt động giáo dục; Báo cáo chi tiết về tình hình triển khai Đề án đầu tư thành lập nhà trường, nhà trẻ dân lập; Danh sách, kèm theo lý lịch, bản sao văn bằng, chứng chỉ hợp lệ của chủ đầu tư, ng­ười dự kiến làm Hiệu trưởng, phó Hiệu trưởng, giáo viên và nhân viên; Quy chế tổ chức, hoạt động và chi tiêu nội bộ; Tài liệu phục vụ cho việc thực hiện Chương trình giáo dục mầm non; Danh mục số lượng phòng học, phòng làm việc, cơ sở vật chất, thiết bị

Nhà trường, nhà trẻ dân lập bị đình chỉ hoạt động giáo dục khi: Không bảo đảm chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ; Không bảo đảm an toàn về tính mạng cho trẻ em và cán bộ, giáo viên, nhân viên; Vi phạm quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính về giáo dục ở mức độ phải đình chỉ; Có hành vi gian lận để được cho phép hoạt động giáo dục

Nhà trường, nhà trẻ bị giải thể khi: Vi phạm nghiêm trọng các quy định về quản lý, tổ chức, hoạt động của nhà trường, nhà trẻ; không  bảo đảm chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ; Hết thời gian đình chỉ mà không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ; Mục tiêu và nội dung hoạt động của nhà trường, nhà trẻ dân lập không còn phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương …

Cơ cấu tổ chức của nhà trường, nhà trẻ dân lập gồm: Hội đồng quản trị, Hiệu trưởng, Ban kiểm soát. Hội đồng quản trị do cộng đồng dân cư xin thành lập trường đề cử. Hiệu trưởng là công dân n­ước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, được Trưởng phòng giáo dục và đào tạo quyết định công nhận, khi được đề cử không quá 65 tuổi, nhiệm kỳ là 05 năm. Hiệu trưởng phải có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm mầm non trở lên; có ít nhất 05 năm giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non;phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, uy tín về chuyên môn, nghiệp vụ…

Trẻ em đ­ược tổ chức theo nhóm trẻ hoặc lớp mẫu giáo.

Đối với nhóm trẻ: trẻ em từ 03 tháng tuổi đến 36 tháng tuổi được tổ chức thành các nhóm trẻ, gồm: Trẻ từ 03 đến 12 tháng tuổi: tối đa 15 trẻ/1 nhóm; Trẻ từ 13 đến 24 tháng tuổi: tối đa 20 trẻ/nhóm; Trẻ từ 25 đến 36 tháng tuổi: tối đa 25 trẻ/nhóm.

Đối với lớp mẫu giáo: trẻ em từ 03 tuổi đến 06 tuổi được tổ chức thành các lớp mẫu giáo, lớp mẫu giáo 3 - 4 tuổi: tối đa 25 trẻ/1 lớp; lớp mẫu giáo 4 - 5 tuổi: tối đa 30 trẻ/ 1 lớp; lớp mẫu giáo 5 - 6 tuổi: tối đa 35 trẻ/lớp.

Tuỳ theo điều kiện địa phương, nhà trường, nhà trẻ được mở thêm nhóm trẻ hoặc lớp mẫu giáo (gọi là điểm trường) ở những địa bàn khác nhau trong cùng một xã, phường, thị trấn để thuận tiện cho trẻ đi học. Mỗi nhà trường, nhà trẻ dân lập không được quá 7 điểm trường.   

Giáo viên, nhân viên của nhà trường, nhà trẻ dân lập phải có đủ các tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn và sức khỏe quy định tại Luật Giáo dục và Điều lệ trường mầm non.

Giáo viên và nhân viên không được: Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể trẻ em và đồng nghiệp; Xuyên tạc nội dung giáo dục; Đối xử không công bằng với trẻ em; Bớt xén khẩu phần ăn của trẻ, làm việc riêng khi đang tổ chức các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ; Bỏ giờ, bỏ buổi dạy, cắt xén chương trình nuôi dưỡng chăm sóc, giáo dục trẻ…

Trẻ em ở nhà trường, nhà trẻ dân lập có những quyền: Đư­­ợc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục theo mục tiêu, kế hoạch giáo dục mầm non của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Được chăm sóc sức khoẻ ban đầu: khám bệnh, chữa bệnh không phải trả tiền tại các cơ sở y tế công lập; Được tham gia các hoạt động nhằm phát triển năng khiếu. Trẻ khuyết tật đư­ợc chăm sóc và giáo dục hoà nhập theo quy định…

Các tin đã đưa ngày: