Thông tư số 03/2013/TT-BLĐTBXH quy định công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành Lao động – Thương binh và Xã hội.">
Liên kết website

Thông tư số 03/2013/TT-BLĐTBXH ngày 19/02/2013 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quy định công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành Lao động – Thương binh và Xã hội

02/05/2013

Ngày 19/02/2013, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 03/2013/TT-BLĐTBXH quy định công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành Lao động – Thương binh và Xã hội.

 

Theo đó, Thông tư quy định:

Thủ trưởng các đơn vị được giao soạn thảo văn bản mật phải chịu trách nhiệm bảo mật trong quá trình soạn thảo, in ấn, trình ký, sao chụp tài liệu, vật mang bí mật nhà nước.

Người soạn thảo văn bản có nội dung bí mật nhà nước trong ngành Lao động - Thương binh và Xã hội phải căn cứ vào danh mục bí mật nhà nước trong ngành Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất mức độ mật của từng tài liệu. Đối với vật mang bí mật nhà nước như băng, đĩa ghi âm, ghi hình, phim, ảnh đã chụp, các thiết bị lưu trữ di động như USB, ổ cứng, máy tính xách tay, điện thoại, thẻ nhớ và các thiết bị di động khác có khả năng lưu trữ thông tin phải có văn bản ghi rõ tên của vật lưu kèm theo và đóng dấu độ mật vào băn bản này. Người duyệt ký văn bản chịu trách nhiệm quyết định đóng dấu độ mật và phạm vi lưu hành tài liệu.

Việc soạn thảo, đánh máy, in, sao, chụp các văn bản hồ sơ tài liệu có nội dung bí mật nhà nước phải được tiến hành ở nơi đảm bảo bí mật an toàn do thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý tài liệu, vật mang bí mật nhà nước đó quy định. Trường hợp đặc biệt khi có yêu cầu phải được soạn thảo trên hệ thống trang thiết bị đã qua kiểm tra và đủ điều kiện về đảm bảo an toàn, bảo mật. Không sử dụng máy tính và các thiết bị khác có chức năng soạn thảo văn bản đã kết nối mạng Internet để soạn thảo, in, sao các loại tài liệu mật.

Khi tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để xây dựng dự thảo văn bản có nội dung bí mật nhà nước thì đơn vị chủ trì soạn thảo phải xác định rõ phạm vi, đối tượng, phải đóng dấu mức độ mật cần thiết vào dự thảo trước khi gửi xin ý kiến. Cơ quan, đơn vị cá nhân nhận được dự thảo phải thực hiện việc quản lý, sử dụng theo đúng độ mật đã ghi trên dự thảo.

 Người có trách nhiệm in, sao, chụp tài liệu, vật mang bí mật nhà nước chỉ được in, sao chụp đúng số lượng văn bản đã được thủ trưởng cơ quan, đơn vị hoặc người được ủy quyền phê duyệt, tuyệt đối không được đánh máy thừa, in thừa. Sau khi đánh máy, in, sao chụp xong phải kiểm tra lại, hủy ngay bản dư thừa và những bản đánh máy, in, sao, chụp hỏng.

Khi đánh máy, in, sao, chụp tài liệu mật xong phải đóng dấu độ mật, dấu thu hồi, đánh số trang, số bản, số lượng in, phạm vi lưu hành, nơi nhận, tên người đánh máy, in, soát, sao, chụp tài liệu.

Đối với tài liệu mật được sao, chụp ở dạng vật mang bí mật nhà nước phải niêm phong và đóng dấu độ mật, ghi rõ tên người sao, chụp ở bì niêm phong.

Thông tư cũng quy định cụ thể về mẫu dấu và sử dụng con dấu độ mật; việc vận chuyển, giao, nhận, gửi, thu hồi tài liệu, vật mang bí mật nhà nước; thống kê, lưu giữ, bảo quản tài liệu, vật mang bí mật nhà nước; mang tin, tài liệu, vật mang bí mật nhà nước trong ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đi công tác trong nước, về nhà riêng hoặc thuyên chuyển công tác, nghỉ hưu; mang tài liệu, vật mang bí mật nhà nước trong ngành Lao động - Thương binh và Xã hội ra nước ngoài; thủ tục xét duyệt cung cấp các tài liệu bí mật nhà nước trong ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cho tổ chức, công dân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 4 năm 2013 và thay thế Quyết định số 09/2006/QĐ-BLĐTBXH ngày 05/12/2006 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc ban hành “Quy chế bảo vệ bí mật nhà nước về lao động thương binh và xã hội”.

Các tin đã đưa ngày: