Thông tư số 05/2013/TT-BCT quy định về hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất một số loại hàng hóa.">
Liên kết website

Thông tư số 05/2013/TT-BCT ngày 18/02/2013 của Bộ Công thương ban hành quy định về hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất một số loại hàng hóa

26/04/2013

Ngày 18/02/2013, Bộ Công thương ban hành Thông tư số 05/2013/TT-BCT quy định về hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất một số loại hàng hóa.

 

Theo đó, ban hành kèm theo Thông tư này các Danh mục hàng hóa sau: Hàng hóa cấm kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu; hàng hóa tạm ngừng kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan; hàng hóa thực phẩm đông lạnh kinh doanh tạm nhập tái xuất; hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt. Mỗi thương nhân được cấp một mã số, và được cấp lại trong các trường hợp: Mã số đã được cấp hết hạn; điều chỉnh nội dung Mã số đã được cấp; mã số bị mất, thất lạc hoặc hư hỏng.

Khi có hiện tượng hàng hóa ách tắc tại cảng, cửa khẩu và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, các cơ quan có liên quan thông báo cho Bộ Công thương biết để xem xét thực hiện việc điều tiết hàng hóa tạm nhập tái xuất.

Bên cạnh đó, Thông tư quy định thời hạn lưu giữ hàng hóa tại Việt Nam như sau: Hàng hóa tạm nhập tái xuất được lưu giữ tại Việt Nam không quá bốn mươi lăm ngày kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan tạm nhập. Trường hợp cần kéo dài thời hạn, thương nhân có văn bản đề nghị gia hạn gửi cơ quan hải quan nơi làm thủ tục tạm nhập; mỗi lô hàng tạm nhập tái xuất chỉ được gia hạn một lần, thời hạn gia hạn không quá mười lăm ngày. Quá thời hạn nêu trên, thương nhân phải tái xuất ra khỏi Việt Nam trong vòng mười lăm ngày qua cửa khẩu tạm nhập, không được phép tái xuất qua cửa khẩu khác cửa khẩu tạm nhập. Hàng hóa không tái xuất sẽ bị tịch thu và xử lý theo quy định. Nếu phải tiêu hủy, chi phí tiêu hủy được trích từ số tiền ký quỹ đặt cọc của thương nhân. Trường hợp hàng hóa được gửi từ nước ngoài vào kho ngoại quan để xuất khẩu, tái xuất qua các tỉnh biên giới thì thời gian làm thủ tục xuất khẩu, tái xuất không quá mười lăm ngày, kể từ ngày xuất kho ngoại quan.

Hàng hóa tạm nhập tái xuất chịu sự kiểm tra và giám sát của cơ quan Hải quan từ cửa khẩu tạm nhập cho tới khi hàng hóa thực tái xuất ra nước ngoài. Không chia nhỏ công-ten-nơ trong suốt quá trình vận chuyển hàng hóa từ cửa khẩu tạm nhập đến khu vực chịu sự giám sát của cơ quan hải quan, địa điểm tái xuất thuộc cửa khẩu, điểm thông quan theo quy định.

Trong vòng 60 ngày, kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực, thương nhân đã được cấp Giấy chứng nhận mã số tạm nhập tái xuất thực phẩm đông lạnh theo quy định tại Thông tư số 21/2011/TT-BCT ngày 20 tháng 5 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Công thương quy định về quản lý hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất thực phẩm đông lạnh phải bổ sung đủ các điều kiện quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 4 và nộp hồ sơ đề nghị cấp Mã số theo quy định tại Thông tư này mới được tiếp tục thực hiện kinh doanh tạm nhập tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh, không cần văn bản xác nhận của Tổng cục Hải quan. Đối với các giấy phép tạm nhập tái xuất hàng hóa đã qua sử dụng quy định tại Thông tư này do Bộ Công thương cấp trước ngày Thông tư này có hiệu lực, thương nhân được thực hiện tạm nhập theo thời hạn của giấy phép và tái xuất theo các quy định như trước khi Thông tư này có hiệu lực.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 04 tháng 4 năm 2013 và bãi bỏ các văn bản sau:

- Thông tư số 33/2010/TT-BCT ngày 11 tháng 9 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Công thương quy định việc kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu phủ tạng gia súc, phủ tạng gia cầm đông lạnh và không đông lạnh.

- Thông tư số 21/2011/TT-BCT ngày 20 tháng 5 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Công thương quy định về quản lý hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất thực phẩm đông lạnh.

- Quyết định số 5737/QĐ-BCT ngày 28 tháng 9 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Công thương về việc công bố tạm thời các Danh mục hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan.
Các tin đã đưa ngày: