Thông tư số 12/2013/TT-BNNPTNT về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Kho chứa thóc và Cơ sở xay, xát thóc gạo.  ">
Liên kết website

Thông tư số 12/2013/TT-BNNPTNT ngày 06/02/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Kho chứa thóc và Cơ sở xay, xát thóc gạo

24/04/2013

Ngày 06/02/2013, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư số 12/2013/TT-BNNPTNT về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Kho chứa thóc và Cơ sở xay, xát thóc gạo. 

 

Theo đó, một kho chứa thóc được coi là đạt chuẩn khi đáp ứng được các điều kiện kỹ thuật và cơ sở hạ tầng sau: kho phải được đặt tại nơi cao ráo, không bị ngập nước, đọng nước; cách xa các nguồn ô nhiễm, hóa chất độc hại và khu vực dễ cháy nổ; thuận tiện giao thông (đường bộ hoặc đường thủy); xung quanh kho có hệ thống cống, rãnh đảm bảo thoát nước tốt; có hệ thống đường giao thông phục vụ cho các loại xe, thiết bị cơ giới hoạt động trong bốc xếp, vận chuyển thóc ra vào kho.

Kho thóc phải kiên cố đảm bảo ngăn được tác động trực tiếp của các yếu tố thời tiết đến khối hạt; móng kho phải bằng bê tông đảm bảo độ cứng vững, không bị lún, cao hơn cốt chuẩn xây dựng tối thiểu là 30 cm; nền kho: bằng bê tông, chịu được áp lực cực đại của khối sản phẩm; cách ẩm tốt; ngăn được mạch nước ngầm; phải cao hơn mặt đất bên ngoài kho; tường kho: vững chắc, không thấm nước, không ẩm ướt, cách nhiệt tốt, đảm bảo kín tránh được sự xâm nhập của côn trùng và động vật gây hại; mái kho: mái nghiêng phẳng hoặc vòm cuốn, không thấm, không dột, có lắp đặt các cửa thông gió và chiếu sáng tự nhiên; hệ thống cửa kho: vững chắc, kín, ngăn ngừa được côn trùng và động vật gây hại xâm nhập đồng thời thuận lợi cho thông gió tự nhiên.

Trong kho phải có các trang thiết bị: Máy sấy thóc; thiết bị vận chuyển phục vụ xuất, nhập kho; thiết bị xử lý những sự cố bất lợi; thiết bị đo lường kiểm tra, giám sát các chỉ tiêu yêu cầu kỹ thuật; hệ thống chiếu sáng. Về quy cách kê xếp thóc trong kho cơ giới:  Đối với thóc bảo quản đổ rời: Độ cao khối hạt tối đa 3,5 m. Khối lượng một ngăn không vượt quá 500 tấn; Đối với thóc bảo quản ở dạng đóng bao: Các bao thóc (loại 50 kg/bao) được xếp ngay ngắn tạo thành lô, khối lượng mỗi lô từ 100 tấn đến 250 tấn. Cứ mỗi 6 lớp bao hoặc 7 lớp bao xếp lùi vào 0,3 m tạo thành một cấp; khoảng cách tối thiểu giữa lô thóc và tường kho là 0,5 m, giữa đỉnh lô thóc với mái kho là 1,5 m và giữa các lô thóc với nhau là 1 m.

Đồng thời kho thóc phải tuân thủ các yêu cầu vệ sinh, môi trường và phòng chống côn trùng, động vật gây hại, các yêu cầu về phòng chống cháy nổ, bão lụt và an toàn lao động đối với kho thóc.

Đối với cơ sở xay, sát thóc phải có hệ thống thông gió, hệ thống chiếu sáng, hệ thống thu gom và xử lý chất thải, hệ thống nhà vệ sinh (Trung bình tối thiểu 25 người phải có 01 nhà vệ sinh). Cơ sở xay, xát thóc gạo phải có các bộ phận và thiết bị tối thiểu sau:

Bộ phận phân tích: Cân phân tích; Cân kỹ thuật độ chính xác đến 0,01g; Tủ sấy điều chỉnh được nhiệt độ theo yêu cầu; Bình hút ẩm, hộp đựng mẫu có nắp đậy; Kính phóng đại từ 5 đến 12 lần; Máy đo pH, nồi cách thủy, bình định mức, các ống pipet, đĩa, cốc thủy tinh;  dụng cụ chia mẫu hoặc bay và khay men trắng, chổi lông, kẹp gắp hạt…; Hệ thống máy xay: Thiết bị làm sạch; thiết bị bóc vỏ trấu; thiết bị tách trấu; thiết bị tách thóc; thiết bị tách sạn; Dây chuyền máy xát, đánh bóng, phân loại, máy tách màu và phối trộn: Thiết bị xát bóc cám (xát trắng); thiết bị đánh bóng; thiết bị giảm ẩm để gạo đạt theo yêu cầu kỹ thuật; thiết bị tách tấm; hệ thống phối trộn; thiết bị tách màu.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 06 tháng 08 năm 2013.

Các tin đã đưa ngày: