Quyết định số 35/2013/QĐ-TTg về quy chế hoạt động của Kiểm soát viên công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (sau đây gọi là công ty). Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25 tháng 7 năm 2013.">
Liên kết website

Một kiểm soát viên có thể đồng thời được bổ nhiệm làm Kiểm soát viên tại ba công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ

02/08/2013

Ngày 07 tháng 6 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 35/2013/QĐ-TTg về quy chế hoạt động của Kiểm soát viên công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (sau đây gọi là công ty). Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25 tháng 7 năm 2013.

Theo Quy chế được ban hành tại Quyết định này, chủ sở hữu bổ nhiệm từ 01 đến 03 Kiểm soát viên tại công ty TNHH một thành viên (số lượng kiểm soát viên được bổ nhiệm tùy thuộc vào quy mô vốn, phạm vi địa bàn và ngành, lĩnh vực kinh doanh). Kiểm soát viên làm việc theo chế độ chuyên trách hoặc không chuyên trách, nhiệm kỳ không quá 03 năm và được chủ sở hữu xem xét bổ nhiệm lại nếu hoàn thành nhiệm vụ và đáp ứng được các tiêu chuẩn, điều kiện của kiểm soát viên.

Kiểm soát viên có nhiệm vụ kiểm tra tính hợp pháp, trung thực, cẩn trọng của Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty và Tổng Giám đốc (Giám đốc) công ty trong tổ chức thực hiện quyền chủ sở hữu, trong quản lý, điều hành công việc kinh doanh tại công ty; thẩm định báo các tài chính, bảo cáo tình hình kinh doanh, báo cáo đánh giá công tác quản lý và các báo cáo khác trước khi trình chủ sở hữu công ty hoặc các cơ quan nhà nước có liên quan; kiến nghị chủ sở hữu công ty các giải pháp hoàn thiện cơ cấu tổ chức quản lý, điều hành công việc kinh doanh của công ty.

Kiểm soát viên có quyền: Yêu cầu cung cấp bất kỳ hồ sơ, tài liệu nào của công ty tại trụ sở chính hoặc chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của công ty để nghiên cứu, xem xét phục vụ thực hiện nhiệm vụ theo quy định; được tham dự các cuộc họp giao ban, họp Hội đồng thành viên, họp Ban Tổng Giám đốc (Giám đốc), họp chuyên đề có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ của Kiểm soát viên tại công ty; được sử dụng con dấu của công ty cho các văn bản, hồ sơ, tài liệu thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm soát viên…

Về tiền lương, thù lao và lợi ích khác, Quy chế quy định chủ sở hữu quyết định mức lương và chi trả tiền lương, thù lao, lợi ích khác của Kiểm soát viên căn cứ vào mức độ hoàn thành nhiệm vụ và kết quả, hiệu quả kinh doanh của công ty. Kiểm soát viên chuyên trách được hưởng chế độ ưu đãi, phúc lợi và tham gia các hoạt động của công ty như cán bộ, nhân viên khác tại công ty.

 Quy chế cũng quy định mối quan hệ giữa Kiểm soát viên và chủ sở hữu, Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Tổng Giám đốc (Giám đốc). Theo đó, chủ sở hữu có trách nhiệm ban hành Quy chế hoạt động của Kiểm soát viên tại công ty; trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được các báo cáo của Kiểm soát viên, chủ sở hữu phải trả lời bằng văn bản về những đề nghị của Kiểm soát viên (đối với những vấn đề phát sinh đột xuất, có tính cấp bách thì phải trả lời, chỉ đạo bằng văn bản trong thời hạn 07 ngày làm việc). Kiểm soát viên có trách nhiệm xây dựng chương trình công tác năm, trình chủ sở hữu phê duyệt trong quý I hằng năm; trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc quý và 30 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc năm, Kiểm soát viên phải gửi chủ sở hữu báo cáo về tình hình và nội dung hoạt động kiểm soát tại công ty. Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch Công ty, Tổng Giám đốc (Giám đốc) công ty có quyền được chủ sở hữu thông tin đầy đủ, kịp thời về việc bổ nhiệm Kiểm soát viên, chế độ hoạt động và nội dung nhiệm vụ của Kiểm soát viên tại công ty. Trường hợp Kiểm soát viên có dấu hiệu lợi dụng quyền hạn để gây cản trở cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty hoặc vi phạm các quy định pháp luật, không thực hiên đúng chức năng, nhiệm vụ được chủ sở hữu giao thì Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch Công ty, Tổng Giám đốc (Giám đốc) có quyền báo cáo chủ sở hữu và thông báo cho Kiểm soát viên biết. Khi Kiểm soát viên gửi báo cáo đến chủ sở hữu thì đồng thời gửi cho Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch Công ty, Tổng Giám đốc (Giám đốc) trừ trường hợp có quy định khác của chủ sở hữu.

Căn cứ vào quy định tại Quy chế này, các Bộ quản lý ngành, Bộ Tài chính, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân khác là chủ sở hữu ban hành Quy chế hoạt động của Kiểm soát viên tại từng công ty TNHH một thành viên do mình quản lý, phù hợp với điều kiện cụ thể và quy định pháp luật liên quan. Các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội có thể áp dụng Quy chế này để bổ nhiệm Kiểm soát viên và ban hành Quy chế hoạt động của Kiểm soát viên tại các công ty TNHH một thành viên do tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội làm chủ sở hữu.

Các tin đã đưa ngày: