Vật tư nông nghiệp theo Thông tư này bao gồm: giống vật nuôi (bao gồm giống vật nuôi và giống thủy sản); Giống cây trồng (bao gồm giống cây trồng nông nghiệp chính và giống cây lâm nghiệp); Thức ăn chăn nuôi (bao gồm thức ăn chăn nuôi, chất kích thích sinh trưởng dùng trong chăn nuôi và thức ăn thủy sản); Sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản; Thuốc bảo vệ thực vật, bao gồm cả chất điều hòa sinh trưởng đối với cây trồng và Thuốc thú y.
Về phân công cơ quan đầu mối quản lý chuyên ngành về vật tư nông nghiệp được quy định như sau: Tổng cục Thủy sản tiếp nhận, thẩm định, xử lý hồ sơ về giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản; Tổng cục Lâm nghiệp tiếp nhận, thẩm định, xử lý hồ sơ về giống cây lâm nghiệp; Cục Chăn nuôi tiếp nhận, thẩm định, xử lý hồ sơ về giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, bao gồm cả chất kích thích sinh trưởng dùng trong chăn nuôi; Cục Trồng trọt tiếp nhận, thẩm định, xử lý hồ sơ về giống cây trồng nông nghiệp chính; Cục Bảo vệ thực vật tiếp nhận, thẩm định, xử lý hồ sơ về thuốc bảo vệ thực vật, bao gồm cả chất điều hòa sinh trưởng đối với cây trồng; Cục Thú y tiếp nhận, thẩm định, xử lý hồ sơ về thuốc thú y.
Thẩm quyền công nhận cơ sở đủ điều kiện khảo nghiệm, thử nghiệm vật tư nông nghiệp, thẩm quyền cho phép khảo nghiệm, thử nghiệm vật tư nông nghiệp, trừ giống cây trồng nông nghiệp chính và giống cây lâm nghiệp, thẩm quyền công nhận, đăng ký lưu hành vật tư nông nghiệp thuộc về Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Định kỳ quý I hàng năm, các cơ quan quản lý chuyên ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao rà soát, trình Bộ trưởng ban hành Danh mục vật tư nông nghiệp được phép lưu hành tại Việt Nam. Định kỳ hàng quý, các đơn vị quản lý chuyên ngành tổng hợp trình Bộ trưởng ban hành Thông tư ban hành Danh mục sửa đổi, bổ sung vật tư nông nghiệp được phép lưu hành tại Việt Nam.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11 tháng 8 năm 2014.