Thông tư này hướng dẫn về điều kiện, hồ sơ, thủ tục, quy trình hỗ trợ lãi suất và cấp bù chênh lệch lãi suất thông qua các ngân hàng thương mại để thực hiện cho vay theo quy định tại Điều 1 và Điều 2 Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp (gọi là Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg).
Đối tượng áp dụng của Thông tư là các Ngân hàng thương mại được thành lập và hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng (gọi chung là ngân hàng thương mại) thực hiện cho vay theo quy định tại Điều 1 và Điều 2 Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Mức hỗ trợ, cấp bù được quy định như sau: Các khoản vay để mua máy móc, thiết bị quy định tại Khoản 2 Điều 1 Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg được NSNN hỗ trợ 100% lãi suất trong 02 năm đầu, 50% lãi suất trong năm thứ ba. Các khoản vay để thực hiện dự án đầu tư dây chuyền máy, thiết bị; dự án chế tạo máy, thiết bị sản xuất nông nghiệp quy định tại Khoản 2 Điều 2 Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg được NSNN cấp bù chênh lệch giữa lãi suất cho vay thương mại của các ngân hàng thương mại và lãi suất tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước. Thời gian được nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất bằng thời hạn cho vay quy định tại khoản 5 Điều 2 Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg, tối đa không quá 12 năm. Nguồn vốn hỗ trợ lãi suất và cấp bù chênh lệch lãi suất thực hiện chính sách hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp được bố trí trong dự toán chi cấp bù chênh lệch lãi suất cho vay tín dụng ưu đãi (vốn đầu tư phát triển) của ngân sách nhà nước hàng năm.
Thông tư cũng quy định về điều kiện được NSNN hỗ trợ lãi suất vay vốn và cấp bù chênh lệnh lãi suất; hướng dẫn lập hồ sơ, thủ tục hỗ trợ lãi suất vay vốn và cấp bù chênh lệch lãi suất. Định kỳ hàng quý (chậm nhất là ngày 30 của tháng đầu quý tiếp theo), các ngân hàng thương mại tổng hợp số liệu về kết quả thực hiện hỗ trợ lãi suất của chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp của toàn hệ thống, đánh giá tình hình thực hiện và gửi về Bộ Tài chính. Trong vòng 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính, các ngân hàng thương mại gửi báo cáo thực hiện năm cho Bộ Tài chính gồm: Số tiền hỗ trợ lãi suất vay vốn và chênh lệch lãi suất đã được tạm cấp trong năm; số tiền hỗ trợ lãi suất vay vốn và chênh lệch lãi suất phát sinh thực tế đề nghị được cấp cả năm; hồ sơ đề nghị quyết toán khoản vay được hỗ trợ lãi suất vay vốn và khoản vay được cấp bù chênh lệch lãi suất.
Thông tư này có hiệu lực ngày 22/8/2014.