Liên kết website

DI CHÚC VIẾT TAY CÓ HỢP PHÁP?

03/08/2016

Ông Hoàng có 2 người con, Nam - người con cả là con của ông với người vợ đầu, bà đã ra đi trong một vụ tai nạn khi Nam mới 3 tuổi, Lan là con của ông với bà vợ thứ hai – Bà Nguyệt. Từ nhỏ cháu Nam thường xuyên bị bà Nguyệt hắt hủi nên giữa hai người không thân thiết với nhau, ông Hoàng rất thương Nam nên tìm mọi cách để cải thiện tình cảm nhưng cũng không cải thiện được mối quan hệ mẹ kế - con chồng.

Năm Nam chuẩn bị nhập học vào trường đại học, ông Hoàng phát hiện mình bị ung thư phổi di căn đã ở giai đoạn cuối. Khi biết tin mình bị bệnh không sống được bao lâu nữa, điều ông lo lắng nhất chính là Nam, không biết sau này Nam sẽ nương tựa vào ai? còn việc học hành? ai lo lập gia đình cho nó? Bấy nhiêu câu hỏi cứ luẩn quẩn trong đầu ông. Hồi trẻ ông cũng chăm chỉ làm ăn nên cũng xây được một căn nhà khang trang và một số tài sản khác. Tiền và tài sản ông muốn để dành cho Nam 1 phần nhưng không biết là cách nào. Suy nghĩ mãi, rồi ông quyết định: mình phải để lại di chúc, tránh gây thêm mâu thuẫn về sau. Nghĩ là làm, ông đã mất 2 ngày để viết di chúc, tài sản của ông chỉ có căn nhà vợ chồng ông đang ở và một số tiền tài sản khác trị giá 750 triệu đồng. Ông muốn để lại nhà đất cho Nam vì vốn dĩ căn nhà này do ông và mẹ Nam tạo dựng nên, còn tiền thì Nam được hưởng 50 triệu để lo ăn học, phần còn lại 600 triệu để lại cho mẹ con bà Nguyệt.
Viết di chúc xong, ông Hoàng lại đắn đo: Liệu di chúc mình viết tay có giá trị pháp lý hay không? Nghĩ là làm, sáng hôm sau ông mang bản di chúc đến Uỷ ban nhân dân phường để hỏi về giá trị pháp lý của bản di chúc. Ông vào phòng Tư pháp - hộ tịch. Ông bước vào phòng, trong phòng có 2 anh chị cán bộ trẻ, ông cất tiếng chào:
- Chào các cháu, bác có việc muốn nhờ các cháu.
Một chị đứng dậy, tiến về phía ông Hoàng nói:
- Chào bác, mời bác ngồi.
- Vâng, cháu là Tính, công chức tư pháp- hộ tịch, bác đến có việc gì ạ.
Ông Hoàng lấy bản di chúc từ trong cặp ra, đặt lên bàn:
- Tôi đã viết một bản di chúc để phân chia tài sản, nhưng tôi không biết bản di chúc  viết tay thế này thì có giá trị pháp luật hay không?
Sau 1 hồi đọc bản di chúc, chị Tính liền hỏi:
- Bản di chúc này được lập hoàn toàn theo ý chí của bác? Có ai can thiệp về việc phân chia tài sản không ạ? Có người làm chứng không a?
Nghe vậy ông Hoàng trả lời:
- Không, không có ai biết gì cả. Tự tôi lập theo ý chí của cá nhân tôi cũng không có người làm chứng.
- Vâng, vậy thì về mặt hình thức thì bản di chúc của bác hoàn toàn có giá trị pháp lý đấy ạ. Theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 thì di chức của bác thuộc trường hợp di chúc bằng văn bản không có người làm chứng
- Sao chỉ về mặt hình thức thôi à? Thế còn nội dung có hợp pháp không hả cháu?
- Về mặt nội dung của di chúc. Theo Điều 631 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định di chúc gồm các nội dung chủ yếu sau: Ngày, tháng, năm lập di chúc; Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc; Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;  Di sản để lại và nơi có di sản. Ngoài các nội dung trên di chúc có thể có các nội dung khác. Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc. Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa. Trong di chúc này, bác chưa ghi rõ địa chỉ nhà đất ở đâu  và chưa đánh số trang của từng tờ di chức nên bác cần bổ sung thêm .
Nhân đây cháu muốn hỏi bác vài điều nhằm đảm bảo tính hiệu lực pháp lý của di chúc. Số tài sản trong di chúc có phải thuộc quyền sở hữu của riêng bác không ạ. Cụ thể là về ngôi nhà và số tiền 750 triệu ạ.
- Về ngôi nhà thì do tôi và mẹ cháu Nam tạo dựng từ khi mới kết hôn, mẹ cháu không may qua đời khi cháu mới 3 tuổi, gia đình tôi vẫn sống ở đó đến nay. Còn số tiền này là của tôi và bà vợ hai bây giờ, chúng tôi tích cóp được sau 14 năm chung sống.
- Từ ngày mẹ em Nam mất, có ai đến đòi chia nhà đất không ạ?
- Không có ai.
- Vâng. Sở dĩ cháu hỏi bác như vậy vì liên quan đến các quy định pháp luật. Nhà và đất bác sử dụng ổn định, hợp pháp từ đó đến nay mà không có ai tranh chấp về quyền thừa kế thì thuộc quyền sử dụng, quyền sở hữu hợp pháp của bác nên bác có toàn quyền quyết định. Còn số tiền, tài sản khác trị giá 750 triệu đồng, vì đây là tài sản của bác và bác Nguyệt cùng làm ra nên theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình thì là tài sản chung vợ chồng đấy bác ạ, bác chỉ được định đoạt ½ số tài sản đó thôi.
- À, có quy định thế hả cháu. Thế tôi có thể sửa lại di chúc này không?
- Có chứ bác. Vì theo quy định tài Điều 640 của Bộ luật dân sự năm 2015 thì Người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào. Bác cũng có thể công chứng bản di chúc tại Văn phòng công chứng hoặc ra Uỷ ban nhân dân phường để làm thủ tục chứng thực di chúc.
- Ừ, cám ơn cháu, bây giờ thì bác đã hiểu.
- Có gì chưa rõ, bác đến đây cháu giải thích cho.
Ông Hoàng đứng dậy: Ừ, thôi bác về nhé (và quay sang mọi người) Chào các cháu, các cháu làm việc nhé.
- Vâng, chào bác ạ
Ông Hoàng ra về, mà lòng thanh thản, nhẹ nhõm, những lo âu của ông đã có lời giải.
 
 
 
Các tin cũ hơn
Các tin đã đưa ngày: