Liên kết website

CHỈ VÌ BẠN THÂN

25/12/2015

Kiên và Vinh là bạn học từ thủa cấp II, Kiên theo nghiệp học lên cố gắng học cấp III, rồi thi đại học. Nhưng Vinh lại bỏ học giữa chừng, theo bố mẹ mở cửa hàng kinh doanh, buôn bán, mỗi đứa phát triển một hướng, đi theo con đường riêng rồi lập gia đình cũng không gặp nhau. Bẵng đi 15 năm, tình cờ trong dịp lễ hội của làng nhận bằng UNESCO ghi nhận phong tục lễ hội đầu xuân của làng là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Làng mở hội to, cả Lân và Vinh đều về quê, dự lễ. Hai người bạn đã gặp nhau, Kiên giờ là cán bộ nhà nước ở tỉnh còn Vinh là giám đốc một doanh nghiệp đang trên đà phát triển.

 

          Vinh: Ông oai thế, thét ra lửa chứ không như tôi

Kiên: Oai cái đếch gì. Công chức nhà nước lương ba cọc ba đồng

Vinh (giễu cợt): Lương tính bằng cọc còn gì nữa, sướng thế, sáng cắp ô đi, tối cắp về, cuối tháng nhận cả cọc tiền.

Kiên: Vợ con kêu suốt, hết so sánh với thằng nọ, lại so sánh với thằng kia là thằng ấy giỏi, có ô tô đi, đưa vợ con đi ăn nhà hàng, bực mình hết sức.

Vinh: Mày làm cán bộ mà không có gì à? Bao nhiêu thằng muốn chạy vào chỗ mày chả được.

Kiên: Vào chỗ tao làm gì, chạy chọt gì?

Vinh: Ở đây nói chuyện không tiện, tối qua nhà tao ăn cơm

Kiên: Ừ

Buổi tối Kiên sang nhà Vinh ăn cơm, vừa ăn cơm vừa ôn lại chuyện cũ. Biết Kiên là cán bộ cấp cao ở tỉnh, Vinh nhờ Kiên tác động để Vinh có thể về tỉnh nhà mở một nhà máy sản xuất thức ăn gia súc. Vốn là người liêm khiết, Kiên khuyên bạn nên theo quy định pháp luật mà làm, ngày nay pháp luật đã có nhiều cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân được tự do kinh doanh, phát triển sản xuất. Nhưng Vinh vẫn một mực yêu cầu phải có bạn giúp thì việc mới xong.

Vinh: Nói như ông, tôi làm gì có thời gian mà đi đi về về, xin được cái hợp đồng thuê đất, “nó” hành cho đủ thứ giấy tờ.

Kiên: Làm gì có chuyện đó.

Vinh: (hơi ngà say) Nói chuyện với ông chán bỏ mẹ, như người trên trời rơi xuống, thảo nào vợ con ông nó kêu là phải.

Kiên: (hẵng giọng) Thế tao phải làm gì bây giờ?

Vinh: Tao với mày là chỗ bạn thân, đằng nào tao chả bỏ ra chi phí để “chạy”, chi bằng mày giúp tao, vừa kín kẽ lại được việc cả hai bên.

Kiên: tao chỉ nói giúp mày thôi đấy, còn thủ tục như thế nào mày tự lo.

Vinh: Ừ, tao chỉ cần mày nói giúp một câu, dẫn tao đi gặp ông Chủ tịch thì ô kê.

Kiên: Được rồi, sang tuần sau mày có về được không.

Vinh: Được, bất kỳ lúc nào, cứ alo trước cho tao.

Sang tuần, Kiên hẹn Vinh đến gặp ông Chủ tịch. Vinh hẹn gặp nhau ở một phòng ăn kín tại nhà hàng sang trọng. Sau bữa ăn, Vinh đã nói thẳng mong muốn của mình với ông Chủ tịch và đề nghị ông giúp đỡ. Ông chủ tịch lúc này đã hơi say say, liền đồng ý:

Ông Chủ tịch: Chuyện gì, chứ xin thuê đất thì chuyện nhỏ.

Vinh:  Úi trời, gặp bác việc gì cũng giải quyết xong, chứ không có bác em loay hoay cả năm trời không xong chứ. Cái này em có chút quà gọi là ra mắt.

Vinh lấy trong cặp ra 02 phong bì để lên bàn (mỗi phong bì Vinh đã để bên trong 2.000 đô la Mỹ), đưa về cho Kiên và  ông Chủ tịch. Kiên một mực từ chối.

Kiên: Chỗ tao và mày còn bày đặt. Tao có giúp gì đâu.

Vinh: Thế này là mày giúp tao nhiều đấy, chứ tao mò mẫm không biết bao giờ mới gặp được ông Chủ tịch đây. Cứ nhận đi.

 Hai bên đang giằng co thì 03 đồng chí công an ập vào. Vinh, Kiên, ông Chủ tịch mặt tái xanh.

Công an: Tất cả ngồi im, giữ nguyên hiện trường.

Ông Chủ tịch: Anh em tao đang nói chuyện, sao chúng mày vào đây?

Công an: Đề nghị đồng chí giữ đúng nguyên tắc giao tiếp hành chính, chúng tôi đang làm nhiệm vụ.

Kiên: (ấp úng) Có chuyện gì thế?

Công an: Theo nguồn tin báo, chúng tôi nhận được là ở đây đang diễn ra cuộc trao đổi, đưa hối lộ

Ông Chủ tịch: Hối lộ cái con khỉ, chúng tao là anh em lâu ngày gặp nhau, nó mới đi nước ngoài về có chút quà, bọn mày nghĩ tao nhận hối lộ à!

Công an: Đề nghị tất cả về Đồn, có nhận hối lộ hay không thì có băng ghi âm đây, tại Đồn chúng tôi sẽ mở ra cho các đồng chí nghe lại.

Đầu óc Kiên tối sầm, quay cuồng, chỉ vì cả nể, chỉ nghĩ đơn giản là bạn bè thân mà giờ đây Kiên lại mắc vào vòng lao lý này. Một phút nông nổi, sa sẩy mà hỏng bao nhiêu năm gìn giữ của Kiên. Cũng vừa mới tháng trước, Kiên được cử đi học lớp lý luận chính trị cao cấp, giảng viên đã nhắc đi nhắc lại rằng “Học chính trị không phải để làm quan, để thăng tiến mà là để tu dưỡng, rèn người, làm người, để phụng sự đất nước”. Kiên cũng nhớ như in, tuần trước tại Hội nghị tập huấn Bộ luật hình sự năm 2015, báo cáo viên cũng phân tích kỹ về Tội nhận hối lộ quy định tại Điều 354. Kiên nghĩ “Cũng may là mình chưa nhận, mình không vì vụ lợi, nhưng mình đã làm hại ông Chủ tịch”. Kiên ân hận vô cùng.

 

Điều 354. Tội nhận hối lộ

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Lợi ích phi vật chất.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng;

đ) Phạm tội 02 lần trở lên;

e) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;

g) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:

a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.

Các tin đã đưa ngày: