Liên kết website

TIỀN DI DỜI CỘT ĐIỆN AI CHI?

25/12/2015

Khách sạn Nhã Ca vừa được khánh thành đã gây tiếng vang khắp tỉnh. Khánh sạn 05 sao cơ mà, nghe đâu vốn đầu tư cả mấy trăm tỷ. Hôm khánh thành khách sạn, bà Nhã chủ khách sạn mời cả nghìn khách. Dân tình kháo nhau, có khi ai có máu mặt ở cái tỉnh này đều có mặt trong hôm khánh thành ấy cả, đích thân Phó Chủ tịch Tỉnh còn đến cắt băng khánh thành. Bữa tiệc diễn ra thành công ngoài mong đợi, khiến bà Nhã nở mày nở mặt không ít, kế hoạch khuếch chương thanh thế khách sạn thế là thành công mỹ mãn. Nhưng bà cũng có chút ít lăn tăn. Ấy là việc hai cây cột điện ở đằng trước khách sạn. Có người bạn làm ăn lâu năm bảo bà như thế sẽ không thuận lợi về làm ăn vì phạm phong thủy. Là người mê tín, không phải bà Nhã không biết điều này, nhưng cột điện là của nhà nước đâu phải muốn di dời là di dời được.

Sau bữa tiệc khánh thành vài hôm. Bà có đem chuyện này nói với bà bạn cùng làm kinh doanh với nhau.

- Hai cái cây cột điện ấy di dời được không nhỉ?

- Cột điện là tài sản của nhà nước đấy, không tự ý di dời được đâu. Nhưng chị quen biết rộng thế, nhờ vả chút chuyện này chắc cũng không khó.

- Tôi không quen ai bên điện lực cả.

- Chị quen với cả Phó Chủ tịch tỉnh thì chuyện gì mà không xong.

- Chuyện con con thế này có cần nhờ đến ông ấy không?

- Được việc là được. Có gì mà chị phải ngại. Mai em và chị đến gặp vợ ông ấy nói chuyện trước xem. Mà chi đậm đậm vào, nói suông không xong đâu.

- Cái ấy cô còn phải nhắc tôi à, Rõ là trứng đòi khôn hơn vịt.

Thế rồi tối hôm ấy bà Nhã và cô bạ đến nhà Phó Chủ tịch tỉnh đặt vấn đề di dời hai cây cột điện đi chỗ khác.

- Chào chị, em là Nhã, chủ Khách sạn Nhã Ca ạ. Dạ, Em có ít quả biếu anh chị ạ, mong chị nhận cho. (Bà Nhã đặt quà lên bàn)

- Cô thì tôi biết rồi. Hôm nay đến thăm chị hay có chuyện gì. (Cầm túi quà để cạnh bàn).

- Trước là đến thăm chị, sau là có việc muốn nhờ chị. Lâu nay bận quá, không đến thăm chị được. Hôm nay, đến để cám ơn anh chị đã nể mặt em có mặt hôm khánh thành. Anh chị làm em được thơm lây.

- Cô cứ nói thế. Cũng là chỗ quen biết cả. Không phải khách sáo làm gì.

- Vâng. Thế em cũng muốn nhờ chị một chuyện.

- Chuyện gì cô cứ nói, giúp được tôi sẽ giúp.

- Trước khách sạn em có hai cây cột điện, nó không thuận phong thủy lắm, chị xem có thể di dời nó đi được không?

- Mỗi chuyện này thôi à. Tôi còn tưởng chuyện gì ghê gớm. Chuyện này tôi giúp được.

Hai bên còn trò chuyện một lúc, bà Nhã xin phép đi về. Trên đường đi, bà bạn thân hỏi.

- Chị đưa bao nhiêu.

Bà Nhã đưa hai ngón tay lên.

- Hai trăm triệu.

Bà Nhã chỉ mỉm cười không trả lời.

Ít lâu sau, điện lực thành phố cử người xuống di dời hai cây cột điện ra chỗ khác. Chuyện có lẽ sẽ dừng ở đây. Bà Nhã được lợi và ông Phó Chủ tịch tỉnh cũng sẽ được lợi. Nhưng chuyện không ai ngờ xảy đến khiến cả hai rơi vào vòng lao lý. Cây cột điện được di dời đến gần nhà ông Giáo. Lúc di dời để xảy ra tai nạn giật điện chết người. Gia đình người bị nạn oan kiện cáo khắp nơi. Người dân bất bình tạo nên một làn sóng phản đối mạnh mẽ. Cơ quan Công an điều tra để tìm hiểu nguyên nhân sự việc. Câu hỏi đặt ra, tại sao lại phải di dời hai cây cột điện ấy. Việc di dời có đúng quy định không? Ai là người ra quyết định? Ai hưởng lợi từ việc di dời ấy? Ai chi số tiền 150 triệu đồng cho việc di dời 02 cây cột điện? Giám đốc công ty Điện lực tỉnh là người ra Quyết định di dời 02 cây cột điện và tất nhiên chi phí di dời lấy từ ngân sách nhà nước. Điều tra ông Giám đốc Công ty điện lực thì mới vỡ lẽ ra rằng, không có căn cứ pháp luật để di dời, vì pháp luật chỉ cho phép di dời cột điện khi nó gây nguy hiểm đến các hộ dân xung quanh, trường hợp này nhà nước sẽ chịu chi phí di dời.  Nếu chỉ vì cây cột điện án ngữ trước của nhà, gây bất tiện trong sinh hoạt của các hộ gia đình thì không thể yêu cầu di dời, vì còn phải bảo đảm an toàn hành lang lưới điện. Trường hợp các hộ gia đình vẫn muốn di dời vì gây bất lợi trong sinh hoạt và được Công ty điện lực đồng ý thì người dân phải chịu chi phí di dời. Như vậy việc di dời 02 cây cột điện trước cửa Khách sạn Nhã Ca là trái quy định pháp luật. Đấu tranh khai thác mãi, ông Giám đốc Công ty điện lực mới khai rằng ông cho thực hiện di dời là do được Phó Chủ tịch tỉnh nhờ vả. Nhưng vì không có chứng cớ việc ông Phó Chủ tịch tỉnh nhờ ông Giám đốc Công ty điện lực di dời cột điện nên vụ việc được điều tra theo hướng ông Giám đốc Công ty Điện lực thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Bà Nhã và ông Giám đốc Công ty điện lực tỉnh cũng chưa từng gặp mặt nên không thể nói bà Nhã hối lộ ông Giám đốc để di dời cột diện.

Mọi việc chỉ được sáng tỏ khi bà bạn của bà Nhã vì mâu thuẫn trong làm ăn đã tố cáo việc bà Nhã đưa hối lộ để di dời cây cột điện lên cơ quan Công an. Vụ việc liên đới đến cả Phó Chủ tịch tỉnh nên dư luận trong tỉnh xôn xao không ngừng, đâu đâu cũng có tiếng xì xào, bàn tán của người dân, xem vụ việc sẽ được xử lý thế nào? Liệu ông Phó Chủ tịch tỉnh có bị xử lý hay không? Hay là „giơ cao đánh khẽ“? Hay là để ông Giám đốc Công ty điện lực nhận tội tất. Để dẹp yên dư luận, Chủ tịch tỉnh yêu cầu điều tra rõ sự việc, trách nhiệm và liên quan của mỗi người tới đâu, xử lý tới đó. Bà Nhã phạm tội đưa hối lộ. Ông Phó Chủ tịch tỉnh bị truy tố về tội tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.

Dư luận lại xôn xao, như thế phải định tội là tội nhận hối lộ chứ sao lại là tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.

Trong một quán nước gần Công ty điện lực:

  • Tôi cứ nghĩ là Phó Chủ tịch phải bị buộc tội nhận hối lộ cơ đấy.
  • Nếu là tội nhận hối lộ thì phải là bà Nhã kia đưa tiền cho ông Giám đốc điện lực chứ. Đằng này bà Nhã đưa tiền cho ông Phó Chủ tịch tỉnh, rồi ông Phó Chủ tịch tỉnh bảo Giám đốc điện lực đi dời cột điện đi thì định tội thế là đúng rồi.
  • Bà nói cứ như biết lắm ý.
  • Lại không à. Con tôi nó xem trên mạng cái tội ấy bảo thế. Tội nhận hối lộ là một người có chức vụ, quyền hạn nhận tiền và trực tiếp làm một việc cho người hối lộ. Còn tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi là người có chức vụ, quyền hạn dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn khác làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm hoặc liên quan trực tiếp đến công việc của họ hoặc làm một việc không được phép làm để nhận hoặc nhận bất kỳ lợi ích nào từ người hối lộ.
  • Bà nói như đài ấy nhỉ.
  • Thì nó cũng hơi lằng nhằng nhưng quy định đúng như vậy đấy.
  • Tội ấy có bị phạt nặng không?
  • Bị phạt tù đấy. Quy định nhiều lắm. Nhẹ nhất là từ 01 đến 06 năm nếu nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm; kể cả nhận lợi ích phi vật chất. 

Phạm tội có tổ chức; phạm tội 02 lần trở lên; nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng thì bị phạt tù từ 06 năm đến 13 năm:

Nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng thì bị phạt tù từ 13 năm đến 20 năm. Nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

  • Bác làm em ong hết cả thủ. Đọc một lèo thế chả ai nhớ được. Chốt lại  như ông Phó chủ tịch tỉnh thì bị phạt tù bao năm.
  • Thấp nhất là 06 năm cơ đấy.
  • Cũng cao nhỉ, có 200 triệu thôi mà mất chức, lại còn phạt tù.
  • Ai bảo tham, trách ai được.

(Điều 358. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian đòi, nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây dưới mọi hình thức để , thì bị phạt tù từ 01 đến 06 năm:

a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

b) Lợi ích phi vật chất.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 13 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 13 năm đến 20 năm:

a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.)

Các tin cũ hơn
Các tin đã đưa ngày: