Liên kết website

Kon Tum: Tổng kết đề án tăng cường PBGDPL cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới tại xã Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei

28/10/2016

Ngày 21/10/2016, Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án tỉnh Kon Tum đã tổ chức Hội nghị Tổng kết thực hiện Đề án "Tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, Nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2013-2016" khu vực biên giới tỉnh Kon Tum (gọi tắt là Đề án) tại xã Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei. Đồng chí Lại Xuân Lâm – Tỉnh ủy viên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án tỉnh đến dự và chỉ đạo Hội nghị.

Đăk Nhoong là xã biên giới thuộc huyện Đăk Glei, diện tích tự nhiên 16.447,21ha; có đường biên giới chạy qua dài 32km; tiếp giáp với Cụm bản Đắk Ba, huyện Đắk Chưng, tỉnh Sê Kông-Lào. Xã có 6 thôn và 01 nhóm hộ, dân số 617 hộ với 2.133 khẩu, gồm 5 dân tộc (Kinh, Dẻ, Tày, Thái, Mường) cùng sinh sống, trong đó dân tộc Dẻ chiếm 95%. Đây là xã được chọn làm điểm của cả nước.
Trên cơ sở triển khai thực hiện Đề án, địa phương đã vận dụng linh hoạt, hiệu quả các hình thức PBGDPL, đồng thời lồng ghép với các chương trình khác để triển khai đảm bảo tính khả thi, phù hợp với yêu cầu, điều kiện thực tế và trình độ của người dân, kết quả: Tổ chức phổ biến pháp luật trực tiếp tập trung và nhỏ lẻ được 52 đợt với 1740 lượt cán bộ, nhân dân và cán bộ, chiến sỹ tham gia; Thực hiện trên hệ thống phát thanh xã, đồn biên phòng theo định kỳ từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần vào buổi sáng và buổi chiều với thời lượng phát thanh mỗi buổi từ 15 đến 30 phút; Thực hiện 30 đợt trợ giúp pháp lý tại 06 thôn cho 3.212 lượt người, tư vấn pháp luật được 23 lần cho 56 người; Hòa giải thành công 19 vụ, việc (dân sự)…; Tổ chức sinh hoạt “Ngày pháp luật” theo định kỳ hàng tháng với nhiều nội dung và hình thức phong phú được 17 buổi sinh hoạt cho 2.456 lượt người..., qua đó góp phần nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật, thói quen sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật cho cán bộ và nhân dân tại địa bàn.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị tổng kết, đồng chí Lại Xuân Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Đề án tỉnh ghi nhận những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức có hiệu quả Đề án trên từng thôn cũng như hoạt động tích cực của Tổ chỉ đạo thực hiện Đề án của xã Đăk Nhoong trong thời gian qua. Đồng thời, nhấn mạnh thời gian tới cần phải khắc phục những tồn tại, khó khăn và tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, đó là: Tiếp tục nghiên cứu triển khai đồng bộ, có chiều sâu các nội dung của Đề án, lựa chọn và triển khai có trọng tâm, trọng điểm sát với tình hình thực tiễn tại địa bàn. Quan tâm kiện toàn tổ giúp việc, bổ sung quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên; tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật tại xã và duy trì tốt “Ngày pháp luật”, hoạt động của các câu lạc bộ, trung tâm tư vấn pháp luật - hướng nghiệp của địa phương, chú ý xây dựng hạt nhân là người đồng bào dân tộc thiểu số và người có hiểu biết pháp luật trên địa bàn; tiếp tục triển khai xã dựng tủ sách pháp luật ở xã, các thôn; gắn việc thực hiện Đề án với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh tại địa phương, trong đó thực hiện tốt Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” và các phong trào “Toàn dân tham gia tự quản đường biên, cột mốc”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”…
Nhân dịp này, UBND xã Đăk Nhoong đã tặng Giấy khen cho các tập thể, cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong quá trình triển khai thực hiện Đề án./.
Nguyễn Thị Lệ Quỳnh 
Các tin đã đưa ngày: