Liên kết website

Bắc Giang khắc phục những bất cập của quy ước, hương ước

28/10/2016

Hương ước, quy ước (sau đây gọi chung là quy ước) góp phần không nhỏ trong việc duy trì an ninh trật tự, bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng chống tệ nạn xã hội, phát huy thuần phong mỹ tục, các chuẩn mực đạo đức truyền thống... Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng và tổ chức thực hiện quy ước còn bộc lộ nhiều hạn chế, thậm chí đã xảy ra những hệ lụy đáng tiếc cần phải chấn chỉnh.

Song hành phong trào xây dựng làng văn hóa, hệ thống quy ước tại các khu dân cư đã không ngừng phát triển rộng khắp về số lượng. Mặc dù vậy, qua kiểm tra của ngành chức năng cho thấy chất lượng các quy ước còn nhiều điều đáng phải bàn, nhiều địa phương chưa quan tâm đến việc thẩm tra, phê duyệt văn bản này. Cuối năm ngoái, một công dân tại thôn Chùa, xã Lương Phong (Hiệp Hòa) qua đời nhưng không được làng tổ chức an táng bình thường như các đám tang khác (không được thông báo trên loa, gia đình không được sử dụng dịch vụ xe tang...). Lý do dẫn đến sự việc gây bức xúc trong nhân dân là vì người qua đời đã vi phạm hương ước bởi còn nợ một số khoản tiền đóng góp như: Bão lụt, tình nghĩa, hội xuân, môi trường... Quan tìm hiểu được biết, thôn Chùa cùng lúc tồn tại song song hai bản quy ước, trong đó có một bản đã được Chủ tịch UBND huyện phê duyệt còn một bản lưu giữ trong dân. Tuy không được phê duyệt nhưng bản lưu giữ trong dân lại được thôn áp dụng, trong đó có đoạn: "Nếu hộ gia đình nào hay bất kỳ cá nhân nào không chấp hành sẽ bị đuổi ra khỏi hội, kể cả những hộ có người 100 tuổi già nếu không thực hiện hương ước của làng chính quyền địa phương sẽ không tổ chức lễ mai táng”. Cùng đó quy định sẽ không xác nhận chuyển đi, chuyển đến, con em đi học và các chế độ khác.
            Việc sao chép quy ước giữa các làng diễn ra khá phổ biến, thậm chí có những quy ước giống nhau gần 100%, điều này dẫn đến tình trạng quy ước không phù hợp với tình hình thực tiễn của khu dân cư. Tìm hiểu quy ước thôn Bắc Am và Hưng Thịnh, xã Tư Mại (Yên Dũng) giống hệt nhau ở các quy định. Cụ thể, trong quy ước của hai thôn đều ghi "Không để trẻ em bị lạm dụng tín dụng" (Trong khi đó phải là "Không để trẻ em bị lạm dụng tình dục". Mặc dù trên địa bàn không có diện tích rừng nhưng quy định thôn Bắc Am vẫn nêu: Mọi người phải có trách nhiệm bảo vệ rừng, không được chặt phá rừng. Tuy ở nông thôn nhưng quy ước lại quy định về "bảo vệ mỹ quan đô thị". Cùng đó, một số quy định được cho là "thừa" vì đã được pháp luật quy định rất rõ như: Nghiêm cấm tàng trữ, mua bán, sử dụng vũ khí, hung khí, chất nổ, đánh bạc; phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông... Đáng ngại hơn, có quy ước tồn tại nội dung trái với quy định của pháp luật như quy định xử phạt bằng tiền đối với một số lỗi vi phạm như tại thôn Thượng, thôn Đồng Chòi, xã Long Sơn (Sơn Động), thôn Nam Phú, xã Xuân Phú (Yên Dũng), thôn Thái Đào, xã Thái Đào (Lạng Giang) là trái với các quy định của pháp luật. Có nơi lạm dụng các quy định “cấm” như ở thôn Giếng, thôn Cầu Gỗ xã Tiên Lục (Lạng Giang). Theo thông tin từ Sở Tư pháp, việc phạt tiền chỉ từ cấp xã trở nên mới có quyền và việc cấm chỉ có Luật mới được quy định.
Chấn chỉnh kịp thời
Quy ước chứa dựng những nguyên tắc bắt buộc do cộng đồng dân cư tự thỏa thuận và cùng nhau thực hiện, qua đó điều chỉnh các quan hệ xã hội mà pháp luật không điều chỉnh hoặc chỉ ở mức chung chung. Tuy được xem là trợ thủ đắc lực của pháp luật nhưng với lý do không có kinh phí, nhiều địa phương chưa sát sao chỉ đạo xây dựng và thực hiện quy ước. Việc hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ chưa thường xuyên, kịp thời, năng lực, trình độ của cán bộ cấp thôn hạn chế, điều kiện tiếp cận, cập nhật văn bản pháp luật chưa thường xuyên. Trong quá trình xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan (Tư pháp, Văn hóa, Mặt trận tổ quốc). Theo quy định quy ước phải được Phòng Tư pháp thẩm định nội dung xem có vi phạm pháp luật không, sau đó Phòng Văn hóa và Thông tin tham mưu cho chủ tịch UBND huyện quyết định phê duyệt nhưng nhiều huyện chưa quan tâm thẩm định, phê duyệt quy ước, dẫn đến chất lượng quy ước không cao.
Ông Lê Đình Vĩ, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Bắc Giang cho biết, qua đợt kiểm tra liên ngành (tư pháp, văn hóa, Mặt trận tổ quốc) đã phát hiện nhiều quy ước còn mang tính hình thức, nội dung sơ sài, rập khuôn, sao chép, trái pháp luật và chưa mang tính đặc thù, chưa sát với điều kiện, đặc điểm của từng thôn, bản, tổ dân phố. Cùng đó việc trình bày, sắp xếp nội dung còn lủng củng, không rõ ràng, mạch lạc, ngôn ngữ sử dụng chưa phù hợp, khó hiểu gây khó khăn cho quá trình tổ chức thực hiện. Trước những bất cập, hạn chế đó, Sở đã tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo các địa phương, ngành chức năng tăng cường quản lý, hướng dẫn và xử lý các vi phạm. Cùng đó, Sở Tư pháp Bắc Giang đã biên soạn cuốn “Sổ tay hương ước, quy ước” và tổ chức lớp tập huấn nhằm hướng dẫn cụ thể việc xây dựng, tổ chức thực hiện quy ước đảm bảo phù hợp theo quy định pháp luật, tình hình thực tế của địa phương. Cũng theo ông Vĩ, hiện Sở đang đề nghị T.Ư thay đổi quy định về thẩm quyền phê duyệt hương ước, quy ước từ Chủ tịch UBND huyện về UBND cấp xã. Đồng thời kiến nghị tỉnh bố trí kinh phí thực hiện việc tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng xây dựng dự thảo, thẩm định, tuyên truyền, vận động thực hiện quy ước cho đối tượng có trách nhiệm; biên soạn tài liệu về kỹ năng xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước để cấp phát cho các đối tượng nhằm nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, đoàn thể, nhân dân về hương ước.
Ngày nay, mọi người đều phải sống, làm việc theo pháp luật, song hương ước, quy ước đã thể hiện vai trò quan trọng như một công cụ để định hướng người dân theo khuôn khổ nhất định.
                                      Nguyễn Hưởng
Các tin đã đưa ngày: