Liên kết website

Ninh Bình: sau 05 năm thực hiện Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg ngày 25/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ

10/07/2015

Thực hiện Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg ngày 25/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ về về xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật, trong 05 năm qua, công tác khai thác, quản lý và xây dựng tủ sách pháp luật trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
 

 

Toàn tỉnh hiện có 1.495 tủ sách, ngăn sách pháp luật. Trong đó thực hiện  Quyết định số 06, toàn tỉnh có 738 tủ sách pháp luật (145 Tủ sách pháp luật tại 145 xã, phường, thị trấn; 593 Tủ sách, ngăn sách pháp luật của các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn tỉnh), 136 Tủ sách pháp luật của Hội Nông dân, 116 tủ sách pháp luật của Hội liên hiệp Phụ nữ các xã, phường, thị trấn, 348 tủ sách của Tỉnh đoàn và các cấp Đoàn cơ sở. Ở một số huyện, thành phố bên cạnh Tủ sách pháp luật cấp xã còn có mô hình tủ sách pháp luật của ở thôn, xóm, phố, nhà văn hóa cộng đồng.

Từ năm 2010-2015, tỉnh Ninh Bình đã tiến hành cấp phát 11.810 cuốn sách pháp luật với hàng trăm đầu sách cho tủ sách pháp luật 145 xã, phường, thị trấn. Trong đó năm 2010 cấp phát 7.592 cuốn, năm 2013 cấp phát 1.606, năm 2014 cấp phát 1.162 cuốn sách pháp luật các loại và 1.450 cuốn sách Hiến pháp. Kinh phí cho công tác xây dựng tủ sách pháp luật mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn song cũng đã được quan tâm đáng kể. Năm 2010, tủ sách pháp luật tại 146 xã, phường, thị trấn được ngân sách Trung ương cấp bổ sung 292 triệu đồng chi cho việc trang bị, bổ sung các đầu sách cho Tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn (mỗi tủ sách 2 triệu đồng). Từ năm 2011 đến 2015, thực hiện Đề án phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2010-2015 của UBND tỉnh, tỉnh Ninh Bình đã cấp hỗ trợ gần 400 triệu đồng cho việc mua sách trang bị tủ sách pháp luật các xã, phường, thị trấn và cấp phát các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh. Đối với tủ sách ở cơ quan, đơn vị kinh phí cho việc bổ sung, mua mới các đầu sách được trích từ nguồn kinh phí cấp hàng năm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Về công tác quản lý tủ sách pháp luật, hiện nay Tủ sách pháp luật (xã, phường, thị trấn; cơ quan, đơn vị) đều đã xây dựng được nội quy, quy chế hoạt động và niêm yết tại nơi đặt tủ sách. Mỗi tủ sách đều được lập sổ đăng ký danh mục sách, tài liệu theo số thứ tự, việc theo dõi cho mượn, trả và cập nhật biến động các đầu sách pháp luật, phân loại các tài liệu, sách pháp luật hết hiệu lực, bổ sung  các văn bản pháp luật mới được thực hiện kịp thời.

Về công tác khai thác, sử dụng Tủ sách pháp luật. Đối với Tủ sách pháp luật cấp xã: Đối tượng khai thác, sử dụng tủ sách pháp luật chủ yếu là cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên các tổ chức chính trị xã hội ở xã, phường, thị trấn; đối tượng là nhân dân đến khai thác sử dụng còn hạn chế. Thời gian phục vụ nhu cầu khai thác sách pháp luật là tất cả các ngày làm việc trong tuần với hình thức cho mượn hoặc đọc tại chỗ.  Đối với tủ sách pháp luật ở cơ quan, đơn vị, tổ chức xã hội, đoàn thể: đa số là sách pháp luật chuyên ngành phục vụ trực tiếp cho chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ, công chức tại cơ quan, đơn vị, số lượng đầu sách mặc dù còn ít nhưng chất lượng và hiệu quả sử dụng, khai thác khá cao.

Các tủ sách pháp luật trên địa bàn tỉnh đều bố trí đủ cán bộ phụ trách và theo dõi. Đối với mô hình tủ sách pháp luật được thành lập ở các thôn, xóm, phố, nhà văn hóa cộng đồng thì người được giao phụ trách trông coi, bảo quản là trưởng thôn, xóm, hoặc trưởng các chi hội. Tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn thì được giao cho công chức Tư pháp - Hộ tịch, một số xã giao cho Công chức Văn hóa phụ trách. Đối với tủ sách pháp luật ở cơ quan, trường học, lực lượng vũ trong hầu hết được giao cho cán bộ Văn phòng, cán bộ thư viện hoặc giáo vụ nhà trường…100% cán bộ được giao phụ trách tủ sách đều kiêm nhiệm, chưa được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ nên khó khăn cho công tác tuyên truyền, giới thiệu và quản lý tủ sách.

Qua 05 năm thực hiện Quyết định 06/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các cấp ủy chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã chú trọng, quan tâm hơn tới việc đầu tư xây dựng tủ sách pháp luật. 100% xã, phường, thị trấn đã có tủ sách pháp luật; các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, trường học đã xây dựng được ngăn sách, tủ sách pháp luật. Công tác quản lý tủ sách pháp luật đã từng bước đi vào nền nếp.Cán bộ phụ trách tủ sách Tủ sách pháp luật chủ yếu là cán bộ có trình độ hiểu biết về pháp luật, thuận tiện cho việc cập nhật kịp thời những văn bản luật mới, lựa chọn những đầu sách pháp luật phù hợp với nhu cầu tìm hiểu của cán bộ,công chức, người dân. Hầu hết các xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị... trên địa bàn tỉnh đều chú trọng đến việc phân bổ kinh phí để đầu tư, xây dựng, tủ sách. Các cấp, các ngành, địa phương xác định đây là một trong những kênh truyền tải thông tin quan trọng phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ và mọi tầng lớp nhân dân và là hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật mang lại hiệu quả cao.

           Thiều Thị Tú - Sở Tư pháp Ninh Bình

Các tin đã đưa ngày: