Liên kết website

Kế hoạch tổ chức Hội thi “Hòa giải viên giỏi” tỉnh Sơn La lần thứ II năm 2011

07/03/2011

Nhằm bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ của đội ngũ làm công tác hòa giải và cán bộ Mặt trận tại xã, phường, thị trấn tham gia công tác hòa giải cơ sở trong toàn tỉnh; nâng cao năng lực nhiệm vụ, tác phong làm việc khoa học. Đồng thời, tạo điều kiện để hòa giải viên, cán bộ Mặt trận giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ hòa giải tại cơ sở, Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La đã ban hành Kế hoạch tổ chức Hội thi “Hòa giải viên giỏi” tỉnh lần thứ II năm 2011.

            Kế hoạch nêu rõ yêu cầu đối với Hội thi như sau: tổ chức sinh động, tạo được không khí sôi nổi, hào hứng và thu hút đông đảo cán bộ, công chức các cấp, các ngành và nhân dân tham gia cổ vũ Hội thi; đồng thời quán triệt tinh thần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tất cả hòa giải viên, cán bộ Mặt trận ở cơ sở tham gia công tác hòa giải đều phải tham gia Hội thi.

            Đối tượng dự thi bao gồm: tổ viên Tổ hòa giải, cán bộ Mặt trận đang tham gia công tác hòa giải tại các Tổ hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh.

            Nội dung thi gồm 2 phần:

            Phần thứ nhất: các thí sinh thể hiện sự hiểu biết kiến thức pháp luật về thực hiện công tác hòa giải cơ sở; trong đó tập trung vào nội dung pháp luật quy định tại các văn bản: Bộ luật Dân sự; Luật Hôn nhân và gia đình và các văn bản hướng dẫn thi hành; Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành; Luật Mặt trận tổ quốc Việt Nam năm 1999; Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở năm 1998; Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007; Nghị định số 160/1999/NĐ-CP ngày 18/10/199 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở.

            Phần thứ hai: các thí sinh thể hiện kỹ năng thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ của mình trong giải quyết vụ việc hòa giải tại cơ sở thông qua xử lý các tình huống cụ thể thường gặp.

            Hội thi được thực hiện theo hình thức sân khấu và tổ chức theo 3 cấp: cấp xã, cấp huyện, thành phố và cấp tỉnh.

            Cấp tỉnh thành lập Ban Tổ chức Hội thi, Ban Giám khảo, Tổ Thư ký giúp việc của Hội thi cấp tỉnh.

            Đối với cấp huyện: UBND các huyện, thành phố căn cứ tình hình thực tế của địa phương chủ động xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh.

            Đối với cấp xã: căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, chủ động chỉ đạo triển khai các công việc cần thiết để tổ chức Hội thi ở cấp mình trên cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn của UBND cấp huyện; chọn cử các thí sinh tiêu biểu tham dự Hội thi cấp huyện; báo cáo tình hình tổ chức thực hiện và kết quả Hội thi của đơn vị mình về Ban Tổ chức Hội thi cấp huyện.

            Về cơ cấu giải thưởng:

            Cấp huyện: tùy theo điều kiện của địa phương có thể quy định cơ cấu giải thưởng phù hợp.

            Cấp tỉnh: giải tập thể dành cho các huyện, thành phố có thành tích xuất sắc trong việc tổ chức Hội thi, gồm: 01 giải nhất, 02 giải nhì, 04 giải ba, 07 giải khuyến khích. Giải cá nhân dành cho thí sinh đạt giải, gồm: 01 giải nhất, 02 giải nhì, 03 giải ba, 10 giải khuyến khích.

            Nguồn kinh phí tổ chức Hội thi được lấy từ kinh phí chi cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2011 theo Quyết định phân bổ kinh phí cho các địa phương, đơn vị hàng năm của Ủy ban nhân dân tỉnh.

            Bùi Thị Loan

Các tin đã đưa ngày: