Liên kết website

Kết quả 5 năm thực hiện Chương trình hành động quốc gia về phổ biến, giáo dục pháp luật ở Vĩnh Long

23/03/2011

Ngay sau khi Chương trình hành động quốc gia về phổ biến giáo dục và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005 – 2010 được ban hành (Chương trình 212), Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã thành lập Ban chỉ đạo Chương trình và chỉ đạo các cơ quan chủ trì đề án thành lập Ban điều hành đề án và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các đề án.

            Để tổ chức thực hiện Chương trình có hiệu quả, hàng năm mỗi Đề án đều ban hành Kế hoạch chi tiết công tác năm. Nội dung của Kế hoạch luôn bám sát mục tiêu, nhiệm vụ và gắn với việc thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị, Chương trình ở địa phương, do vậy trong 5 năm thực hiện Chương trình 212, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở xã, phường, thị trấn đã đạt được những kết quả cao: Tổ chức được 72 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng chuyên môn cho 6.991 học viên là Chủ tịch (Phó chủ tịch UBND xã), cán bộ trực tiếp làm công tác chuyên môn liên quan đến các nội dung hoạt động của Chương trình, Tuyên truyền viên pháp luật và Hòa giải viên cơ sở; Tổ chức 04 Hội thi tìm hiểu pháp luật trong lực lượng cán bộ công chức xã, phường, thị trấn (cấp: huyện và tỉnh) có trên 600 thí sinh trực tiếp thi và hàng ngàn cổ động viên; 06 cuộc thi tìm hiểu pháp luật trong nhân dân có trên 150.000 bài dự thi; Thực hiện Chuyên mục “Ai đúng, ai sai”, “Vì an ninh tổ quốc” trên Đài Truyền hình với thời lượng 15 phút/kỳ/tuần (được phát lại lần 2); Thực hiện Chương trình “Tư vấn pháp luật trực tiếp” trên Đài Phát thanh với thời lượng 60 phút/kỳ/tuần (được phát lại lần 2); Thực hiện Chuyên trang “Vì an ninh tổ quốc”, “Bạn đọc” trên Báo Vĩnh Long, với khuôn khổ 4 số/tuần. Xây dựng được 114 Câu lạc bộ pháp lý ở cấp xã (sinh hoạt kỳ /tháng).

            Kết quả cụ thể của 04 Đề án như sau:

            Đề án 1: Lắp đặt loa truyền thanh ở tất cả các xã, phường, thị trấn và ấp, khóm, mỗi xã có một trạm truyền thanh phát ngày 02 buổi, với thời lượng phổ biến, giáo dục pháp luật là 10 phút; Các Trung tâm văn hóa được xây dựng ở các huyện, thành phố; nhà văn hóa được xây dựng ở xã, phường, thị trấn; đội thông tin lưu động được xây dựng ở tỉnh và các huyện, thành phố; các hình thức tuyên truyền pháp luật thông qua hình ảnh trực quan như: panô, áp-phích, biểu diễn văn nghệ được triển khai rộng rãi trong toàn tỉnh; Thi viết kịch bản câu chuyện truyền thanh tìm hiểu pháp luật về thuế; Báo Vĩnh Long xây dựng các chuyên trang pháp luật như: trang "Bạn đọc" có nội dung trả lời chính sách pháp luật, thông tin về giải quyết khiếu nại - tố cáo; trang "An ninh quốc phòng" phản ánh tình hình vi phạm pháp luật, tin về xét xử các vụ án hình sự...; Chương trình tư vấn pháp luật trực tiếp trên Đài Phát thanh vào thứ 6 hàng tuần với thời lượng 60 phút và phát lại lần 2 được nhân dân quan tâm theo dõi. Phát thường xuyên mỗi ngày 02 lần về “Chính sách pháp luật” với thời lượng 10 phút; Xuất bản và phát hành hàng tháng Tin hoạt động của huyện, thành phố (tổng số 211.600 quyển)...

            Đề án 2: Ban điều hành Đề án tỉnh gắn việc thực hiện Đề án với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" lấy Tổ nhân dân tự quản, khu dân cư làm địa bàn tuyên truyền, lấy hộ gia đình làm đối tượng vận động thông qua việc chấm điểm hàng quí của hộ gia đình, tạo ý thức cho từng cá nhân trong hộ gia đình nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật; Thông qua hoạt động của các Chi, Tổ hội đoàn thể, các nhóm nòng cốt và Tổ tự quản tổ chức tuyên truyền, quán triệt sâu rộng trong nội bộ và các tầng lớp nhân dân, các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Công tác xây dựng mô hình điểm: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Vĩnh Long chọn 02 xã điểm chỉ đạo của Trung ương, 03 xã điểm của tỉnh và 16 xã điểm của huyện; Tổ chức tập huấn được 2.775 cuộc có 58.623 lượt tuyên truyền viên; tuyên truyền, vận động được 239.318 hộ gia đình, 17.378 tổ tự quản và 846 ấp, khóm đăng ký thực hiện tiêu chuẩn an toàn; kết quả qua bình nghị có 199.098 hộ gia đình văn hoá (đạt 86,81 %), 11.633 tổ tự quản văn hoá (đạt 75,64 %) và có 660 ấp, khóm văn hoá (đạt 78,01 %).

            Đề án 3: Qua 5 năm thực hiện đã tổ chức được 15 buổi tuyên truyền pháp luật cho 2.751 lượt cán bộ chủ chốt và tuyên truyền viên ở cơ sở; 874 cuộc tuyên truyền pháp luật cho 32.804 lượt người là công chức và nhân dân. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các quy định pháp luật về khiếu nại - tố cáo, trình tự, thủ tục, thẩm quyền tiếp công dân, giải quyết khiếu nại - tố cáo, quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại - tố cáo, các lĩnh vực bức xúc trong nhân dân hiện nay như: các chính sách về đất đai, thu hồi đất, giải tỏa, bồi hoàn, môi trường, quyền và nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động... Công tác tuyên truyê pháp luật về khiếu nại, tố cáo đã góp phần tích cực giải quyết ổn định việc khiếu nại đông người ở khu công nghiệp, khu tái định cư, khu dân cư vượt lũ, đặc biệt là giải quyết cơ bản tranh chấp lao động dẫn đến đình công của hàng ngàn công nhân trên địa bàn.

            Đề án 4: Trong 05 năm đã tổ chức 57 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng chuyên môn cho lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên, hòa giải viên cơ sở cho 4.240 học viên; Định kỳ mỗi năm tổ chức 02 đợt triển khai các văn bản pháp luật mới cho lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật các cấp và đội ngũ giáo viên, giảng viên của các trường học, đồng thời thường xuyên tuyên truyền các văn bản pháp luật hiện hành có nội dung thiết thực với các tầng lớp nhân dân; Xây dựng mô hình điểm Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý trên 107 xã, phường, thị trấn với việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân ở cơ sở, từ đó rút kinh nghiệm, nhân rộng ra trên phạm vi địa bàn toàn tỉnh. Tuyên truyền miệng được 180.024 cuộc với trên 5.445.780 lượt cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể, học sinh, sinh viên và nhân dân tham dự; hoà giải cơ sở 10.064 vụ việc; tư vấn pháp luật cho 8.636 trường hợp; trợ giúp pháp lý cho 6.133 trường hợp; sinh hoạt câu lạc bộ pháp luật một tháng/lần; tổ chức phiên toà xét xử lưu động với 261 vụ án hình sự và có 80 ngàn lượt người dân tham dự; tổ chức Hội thi trong lực lượng cán bộ công chức của cơ sở: “Chủ tịch xã, phường, thị trấn với kiến thức pháp luật”, “Cán bộ, hội viên Nông dân với pháp luật”, “Hoà giải viên giỏi”, “Hộ tịch viên giỏi” có trên 800 thí sinh tham dự và hàng ngàn cổ động viên theo dõi, cổ vũ cho hội thi; In 47.500 quyển sách pháp luật phục vụ cho công tác triển khai văn bản pháp luật mới; Biên soạn, in phát hành tổng số 2.347.810 tờ bướm tới hộ gia đình, tổ nhân dân tự quản trong phạm vi toàn tỉnh; xuất bản Tin Tư pháp hàng tháng với tổng số 134.000 quyển; Xây dựng tủ sách pháp luật, trong đó 100% xã, phường, thị trấn có tủ sách pháp luật đặt ở Văn phòng UBND (107/107), ngoài ra còn xây dựng, quản lý, tủ sách ở 94 điểm Bưu điện và Nhà văn hóa xã, 319 ngăn sách - kệ sách ở khóm, ấp (113.456 quyển).

            Qua 5 năm thực hiện Chương trình 212, giữa các cơ quan, đoàn thể trong hệ thống chính trị ở xã, phường, thị trấn đã hình thành được cơ chế phối hợp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; nội dung pháp luật được tuyên truyền, phổ biến có trọng tâm, trọng điểm gắn trực tiếp đến đời sống của nhân dân, phù hợp với các nhóm đối tượng, đặc thù kinh tế - xã hội và tình hình thi hành pháp luật ở từng địa bàn dân cư, tạo sự chuyển biến rõ nét trong giải quyết công việc của cán bộ, công chức cấp xã, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật trong nhân dân, góp phần ngăn chặn và hạn chế được những vi phạm pháp luật, giữ gìn an ninh và trật tự an toàn xã hội. Nhìn chung, các mục tiêu đề ra của Chương trình 212 đã đạt được.

Các tin đã đưa ngày: