Liên kết website

Nâng cao chất lượng công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tỉnh Hà Tĩnh

30/07/2018

Xác định xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là “nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị, gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của địa phương”, thời gian qua Hà Tĩnh triển khai đồng bộ và đạt nhiều kết quả tích cực.

Nhằm triển khai Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 08/5/2017 Quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Thông tư số 07/2017/TT-BTP ngày 28/7/2017 của Bộ Tư pháp Quy định về điểm số, hướng dẫn cách tính điểm các chỉ tiêu tiếp cận pháp luật, hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật và một số nội dung về xây dựng xã, phường thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và các văn bản có liên quan khác, Sở Tư pháp đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các kế hoạch, các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện. Việc thực hiện nhiệm vụ này cũng được xác định là một trong những nội dung quan trọng trong Kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hằng năm do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành. Theo đó, các huyện, thành phố, thị xã đã kịp thời ban hành Kế hoạch triển khai tại địa phương mình.
            Hà Tĩnh đã tập trung triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh. Trong đó, chú trọng các nội dung như: Mục tiêu; Nguyên tắc thực hiện; Nội dung xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; Các tiêu chí tiếp cận pháp luật; Điều kiện, thẩm quyền công nhận; Quy trình đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; Cách thức, quy trình và nội dung đánh giá tiêu chí 18.5 của các xã xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh… Nổi bật là Sở Tư pháp đã phối hợp với 13/13 đơn vị cấp huyện tổ chức tập huấn chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ cốt cán và cán bộ tham mưu thực hiện Tiêu chí 18.5 của các địa phương.
            Việc tuyên truyền, phổ biến nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được thực hiện thông qua nhiều hình thức như:Thông qua Bản Tin Tư pháp; qua trang thông tin điện tử của Ngành; In ấn tờ rơi, tờ gấp cấp phát miễn phí cho các địa phương; phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và các đơn vị có liên quan xây dựng chuyên đề “Pháp luật và đời sống”…Tại các địa phương đã triển khai các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật có hiệu quả như: Phát tờ rơi, tờ gấp; tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở; thông qua các cuộc họp thôn, xóm, khối phố ở địa phương… Nhờ triển khai tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nên cán bộ và Nhân dân ở cơ sở phần lớn đã nhận thức và nắm bắt được mục đích và nội dung thực hiện công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
            Song song với nhiệm vụ trên thì việc tổ chức đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được Sở Tư pháp hướng dẫn triển khai kịp thời. Theo đó, các địa phương đã phân công đầu mối tham mưu triển khai nhiệm vụ này (Phòng Tư pháp; Công chức Tư pháp-Hộ tịch tham mưu cho UBND cùng cấp), đồng thời hướng dẫn các nhiệm vụ cụ thể nhằm đảm bảo tính phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này. Đánh giá kết quả thực hiện Tiêu chí 18.5 của các xã nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đến thời điểm hiện nay cho thấy: 51/51 xã đạt chuẩn nông thôn mới trong giai đoạn 2013-2015; 30/30 xã đạt tiêu chí này trong năm 2016; 33/33 xã đạt tiêu chí này trong năm 2017 và đánh giá đợt 1 năm 2018 có 7/7 xã đạt tiêu chí này.
            Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được quan trọng trên thì qua việc thực hiện nhiệm vụ này vẫn còn một số hạn chế như sau: Một số đơn vị còn lúng túng trong việc triển khai nhiệm vụ này; Việc tuyên truyền, phổ biến các chính sách pháp luật liên quan trực tiếp đến người dân ở một số địa phương chưa thường xuyên, chưa thật sự hiệu quả; Ở một số địa phương, việc phối hợp giữa công chức Tư pháp - Hộ tịch với các cán bộ, các đơn vị có liên quan trong việc thực hiện công tác chuẩn tiếp cận pháp luật chưa rõ ràng; Cơ sở vật chất bảo đảm cho công tác tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở còn rất thiếu thốn, nhất là đối với các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa.
            Để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh, thời gian tới cần thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương trong việc xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Tiếp tục đổi mới, đa dạng hoá các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với đặc điểm, nhu cầu của từng nhóm đối tượng và các điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng đơn vị, địa phương; lồng ghép công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với việc thực hiện các chương trình, các phong trào vận động quần chúng khác; Nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở.
            Hai là, các địa phương cần thực hiện đồng bộ, có chất lượng 05 tiêu chí: Bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật; Thực hiện thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã; Phổ biến, giáo dục pháp luật; Hòa giải ở cơ sở; Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Bởi vì điều kiện để công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật phải đáp ứng đầy đủ 04 điều kiện theo quy định tại Điều 6 Quyết định số 619/QĐ-TTG ngày 08/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ (Không có tiêu chí nào dưới 50% số điểm tối đa; Tổng số điểm của các tiêu chí tiếp cận pháp luật phải đạt từ 90% số điểm tối đa trở lên đối với cấp xã loại I, từ 80% số điểm tối đa trở lên đối với cấp xã loại II và từ 70% số điểm tối đa trở lên đối với cấp xã loại III; Kết quả đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân đạt từ 80% tổng số điểm tối đa trở lên; Trong năm không có cán bộ, công chức cấp xã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức từ cảnh cáo trở lên do vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ hoặc phải bồi thường thiệt hại do hành vi công vụ trái pháp luật gây ra). Như vậy, để đủ điều kiện được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thì các đơn vị đồng thời phải thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các tiêu chí trên.
            Ba là, Các đơn vị, địa phương cần thực hiện nghiêm túc, đúng quy định về quy trình đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Từ thực tiễn cho thấy thời gian qua việc đánh giá kết quả thực hiện Tiêu chí 18.5 được các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện nhưng việc triển khai thực hiện đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật chung theo quy định tại Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 08/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 07/2017/TT-BTP ngày 28/7/2017 của Bộ Tư pháp thì một số đơn vị chưa triển khai kịp thời. Vì vậy, thời gian tới các đơn vị, địa phương cần căn cứ vào mốc thời gian để đánh giá, công nhận cho phù hợp với quy định, cụ thể: Việc rà soát, đánh giá, chấm điểm, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được tiến hành hằng năm, tính từ ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 31 tháng 12; Chủ tịch UBND cấp huyện xem xét, quyết định công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trước ngày 25 tháng 01 của năm liền kề sau năm đánh giá…
Bốn là, kết hợp chặt chẽ giữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với việc tổ chức thi hành pháp luật; thường xuyên tổ chức các hoạt động kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật của cơ quan, tổ chức và cá nhân; ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật nhằm nâng cao ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật của cán bộ và Nhân dân.
Năm là, cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất thoả đáng cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở và chuẩn tiếp cận pháp luật.  Vấn đề kinh phí có ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả thực hiện công tác này. Theo đó, hàng năm các địa phương, các cơ quan, đơn vị cần được quan tâm bố trí kinh phí thành mục riêng để phục vụ công tác này theo quy định của Nghị quyết số 166/2015/NQ-HĐND ngày 12/12/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh về quy định mức chi thực hiện công tác Phổ biến, giáo dục pháp luật và công tác hòa giải cơ sở trên địa bàn tỉnh; Thông tư số 43/2017/TT-BTC ngày 12/5/2017 của Bộ Tài chính Quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 và các văn bản có liên quan.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên chúng tôi tin tưởng rằng công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật  sẽ có hiệu quả hơn, góp phần quan trọng nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ và Nhân dân và sẽ góp phần tích cực vào ổn định an ninh, trật tự và phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà./.
Hoa Phượng
Các tin đã đưa ngày: