Liên kết website

Thừa Thiên Huế: Hội đồng Phối hợp công tác PBGDPL tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá kết quả công tác năm 2011

23/12/2011

Ngày 20/12/2011 Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2011 và thống nhất phương hướng, nhiệm vụ năm 2012. Hội nghị do đồng chí Ngô Hòa – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh - Chủ tịch Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh chủ trì.

Năm 2011, sau khi thực hiện củng cố, kiện toàn, Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh gồm 45 đồng chí, phân chia thành 5 Ban để phối hợp thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật cho 5 nhóm đối tượng, gồm: đồng bào dân tộc thiểu số; cán bộ, công chức, viên chức; người sử dụng lao động, người lao động trong các doanh nghiệp; thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên; cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang nhân dân. đến nay toàn tỉnh có 578 cán bộ thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, 68 Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 176 Báo cáo viên pháp luật cấp huyện, 1.166 tuyên truyền viên pháp luật và 1.469 Tổ hoà giải với 8.012 Hòa giải viên.

Một số kết quả hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật đạt được trong năm 2011 như sau: đã thực hiện hòa giải thành 1.504vụ/1.807 vụ việc, đạt tỷ lệ là 83,2%. 100% các cơ quan, đơn vị, UBND cấp huyện và cấp xã đã xây dựng Tủ sách pháp luật, số lượng đầu sách được bổ sung, trung bình mỗi tủ sách có từ 100 đến 200 đầu sách. Công tác triển khai “Ngày pháp luật” được tất cả các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch thực hiện và bước đầu thu được những kết quả nhất định, một số đơn vị đưa nội dung này thành một trong những tiêu chí để bình xét thi đua, khen thưởng nên đã đẩy mạnh phong trào sinh hoạt. Công tác triển khai thực hiện 04 Đề án thuộc Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2008-2012 của Chính phủ đi vào giai đoạn ổn định, nhiều nội dung công việc được tổ chức thực hiện mang lại hiệu quả. Tổng kết về các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, những hình thức sau đây được các cơ quan, đơn vị đánh giá có hiệu quả, như: tuyên truyền thông qua hội thảo, trao đổi theo chuyên đề; đối thoại trực tiếp, giải đáp pháp luật qua đường bưu điện, qua văn bản, đường dây nóng, hệ thống website, tư vấn pháp luật qua truyền hình, một số đơn vị thành lập “Tổ giải quyết vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp”, “Tổ công tác bạn đọc”,…

Bên cạnh kết quả đạt được, hội nghị đã thẳng thắng nhìn nhận những hạn chế còn tồn tại trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, như: hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật qua Tủ sách pháp luật chưa phát huy hiệu quả cao do hiện nay mạng internet đã phổ biến nên phần lớn cán bộ đều tra cứu, tìm hiểu qua hệ thống này, đối với nhân dân, do vị trí đặt tủ sách và việc mượn, trả còn bất cập nên hiệu quả còn hạn chế. “Ngày pháp luật” đã được triển khai nhưng việc thực hiện chưa thường xuyên. Đội ngũ thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và đội ngũ Báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật nói riêng có nơi thiếu về số lượng và một bộ phận chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Hiệu quả thực hiện một số Đề án chưa cao do cơ quan chủ trì xây dựng kế hoạch chưa khả thi, một số nội dung công việc thuộc các Đề án có sự trùng lặp dẫn đến việc thực hiện chồng chéo.

Trên cơ sở đánh giá đó, đồng chí Chủ tịch Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài chính xem xét, tham mưu bố trí kinh phí phù hợp để tăng cường việc thực hiện các Đề án; Sở Tư pháp nghiên cứu, đề xuất biện pháp để nâng cao chất lượng thực hiện mô hình Tủ sách pháp luật, “Ngày pháp luật” trên địa bàn tỉnh, rà soát nội dung và theo dõi tình hoạt động của các Đề án để báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo việc thực hiện được kịp thời, bảo đảm đúng yêu cầu, mục đích của từng Đề án, tránh sự trùng lặp. Các cơ quan, đơn vị và các Ban của Hội đồng tăng cưòng công tác phối hợp, thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ và nhân dân, bảo đảm truyền tải đầy đủ, kịp thời những chủ trương, chính sách lớn của Đảng và các văn bản pháp luật mới của Nhà nước đến với nhân dân, đồng thời chú trọng những nội dung pháp luật quan trọng, thiết yếu đối với nhân dân để nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật, hạn chế việc vi phạm, như: pháp luật về giao thông đường bộ, pháp luật về biên giới,…

Nguyễn Thị Đào - Sở Tư pháp Thừa Thiên - Huế

Các tin đã đưa ngày: