Liên kết website

Vai trò lãnh đạo của cấp uỷ đảng trong chỉ đạo triển khai thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn thành phố Tân An

03/04/2020

Thành phố Tân An là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế, khoa học kỹ thuật của tỉnh Long An; nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Tân An được xem là một trong những đô thị vệ tinh của thành phố Hồ Chí Minh và là đô thị cửa ngõ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tân An là đầu mối giao thông quan trọng trong vùng, từ trung tâm thành phố có Quốc lộ 1A đi thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây Nam Bộ, Quốc lộ 62 dẫn lên vùng Đồng Tháp Mười. Đầu năm 2010, đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương đi vào hoạt động, tuyến đường này cắt qua Quốc lộ 62 cách trung tâm thành phố khoảng 4km là một trong những tuyến đường quan trọng tạo động lực cho thành phố phát triển.

Thành phố Tân An được thành lập theo Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 24/8/2009 của Chính phủ; được công nhận đô thị loại II theo Quyết định số 1140/QĐ-TTg ngày 05/9/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Qua 10 năm đầu tư xây dựng và phát triển, thành phố có nhiều thay đổi vượt bậc về hạ tầng đô thị, kinh tế xã hội phát triển mạnh. Tân An có diện tích tự nhiên là 8.173,37 ha, có 14 đơn vị hành chính cấp xã (5 xã và 9 phường), có 83 ấp/khu phố, dân số 138.852 người.
Nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của Luật Hòa giải ở cơ sở, hàng năm Ban Thường vụ Thành ủy đều có văn bản chỉ đạo về thực hiện Luật trên địa bàn; chỉ đạo Phòng Tư pháp chủ động phối hợp với Ủy ban MTTQVN thành phố hướng dẫn các xã phường thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở. Đến nay trên địa bàn có 83 tổ hòa giải với 440 hòa giải viên. Trung bình mỗi tổ hòa giải có từ 5-6 thành viên, hầu hết là người có uy tín, người hiểu biết pháp luật tham gia. Các tổ hòa giải ở cơ sở đã giải quyết kịp thời mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ phát sinh trong cộng đồng dân cư, góp phần vào việc giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân, duy trì và phát huy những tình cảm, truyền thống, đạo lý tốt đẹp trong mỗi gia đình và cộng đồng, ngăn chặn và phòng ngừa kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật. Trong 05 năm, các tổ hòa giải trên địa bàn thành phố đã tiếp nhận 923 vụ, việc, trong đó hòa giải thành 766 vụ, việc; hòa giải không thành 157 vụ, việc; đạt 82,99%; không thành chủ yếu trên các lĩnh vực tranh chấp ranh giới đất, hôn nhân và gia đình, vay mượn tiền
Căn cứ Chương trình khung về đào tạo, bồi dưỡng do Bộ Tư pháp ban hành, hàng năm thành phố Tân An luôn rà soát, lựa chọn các nội dung sát với tình hình thực tế trên địa bàn để tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về công tác hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên và Công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã. Kết quả, đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu về hòa giải ở cơ sở cho các hòa giải viên trên địa bàn. Thành phố đã biên soạn 03 tập tài liệu tập huấn nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở và cấp phát 1.858 tài liệu liên quan đến công tác hoà giải ở cơ sở, 466 quyển Sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ về hoà giải cơ sở cho hoà giải viên, Công chức Tư pháp-Hộ tịch, Chủ tịch UBMTTQ xã, phường; đồng thời thông qua các cuộc triển khai luật mới, thành phố cung cấp sách pháp luật mới cho các Tổ trưởng Tổ hòa giải để các Tổ hòa giải làm tài liệu nghiên cứu, phổ biến, tham khảo.
Về kinh phí phục vụ cho công tác hòa giải ở cơ sở do ngân sách từng địa phương bảo đảm. Cấp thành phố chỉ cấp kinh phí để tổ chức tập huấn nghiệp vụ, cung cấp sách, tài liệu tập huấn ở cấp thành phố. Theo đó, đối với vụ, việc hòa giải thành mức chi 200.000đ/vụ, việc/tổ hòa giải; còn đối với vụ, việc hòa giải không thành mức chi 150.000đ/vụ, việc/tổ hòa giải. Kinh phí phục vụ cho công tác hòa giải ở địa phương thời gian qua đảm bảo chi đúng theo quy định.
Về công tác kiểm tra, hàng năm thành phố Tân An có kế hoạch kiểm tra công tác hòa giải cơ sở lồng ghép trong kiểm tra công tác tư pháp và kiểm tra chuyên đề; qua đó giúp cho từng địa phương thực hiện tốt công tác hòa giải; định kỳ báo cáo công tác hòa giải ở cơ sở theo biểu mẫu Thông tư số 04/2016/TT-BTP ngày 03/3/2013 của Bộ Tư pháp quy định một số nội dung về hoạt động thống kê của Ngành Tư pháp đúng thời gian quy định; sơ kết, tổng kết tình hình triển khai thực hiện Luật Hoà giải cơ sở theo kế hoạch của UBND tỉnh.
Công tác thi đua, khen thưởng các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động hòa giải ở cơ sở luôn được thành phố quan tâm, trong 05 năm qua đã tặng khen 10 tập thể và 25 cá nhân.
Nhìn chung, việc thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành trên địa bàn thành phố đã tác động tích cực đến đời sống xã hội, tăng cường đoàn kết trong nhân dân, củng cố thúc đẩy các phong trào quần chúng tự quản, xây dựng nếp sống văn minh đô thị tốt hơn. Các tranh chấp, mâu thuẫn được phát hiện, giải quyết kịp thời đã góp phần phòng ngừa tội phạm, hạn chế tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp của công dân. Hoạt động hòa giải ở cơ sở đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL, hình thành trong mỗi cá nhân ý thức chấp hành pháp luật; góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc./.
PHAN ĐỨC BỘ
Các tin đã đưa ngày: