Liên kết website

Kết quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật góp phần thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại tỉnh Quảng Nam

13/08/2020

Thực hiện trách nhiệm của thành viên Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh tại Quyết định số 1649/QĐ-UBND ngày 11/5/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam ban hành quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo phong trào, Sở Tư pháp tỉnh Quảng Nam với vai trò là cơ quan Thường trực của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, hằng năm, đều tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; xây dựng xã, phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Trên cơ sở đó, Sở Tư pháp hướng dẫn các địa phương, đơn vị tiếp tục ban hành kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó, nội dung phổ biến các quy định pháp luật về hôn nhân gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình; phòng chống các tệ nạn xã hội...luôn được quan tâm chú trọng, tạo nhiều chuyển biến tích cực góp phần thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở khu dân cư.

1. Để đưa các quy định pháp luật trên đi vào cuộc sống; các ngành, đoàn thể, địa phương trong tỉnh đã sử dụng nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau; trong đó, hoạt động tuyên truyền trực tiếp thông qua các hội nghị, tọa đàm được tiếp tục sử dụng phổ biến nhất. Bên cạnh hoạt động tuyên truyền trực tiếp thường xuyên hằng năm, một số địa phương như Thành phố Tam Kỳ và các huyện Hiệp Đức, Đại Lộc, Phú Ninh, Duy Xuyên còn lồng ghép nội dung pháp luật về hôn nhân gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình; phòng chống các tệ nạn xã hội... vào các làn điệu dân ca bài chòi, hò, vè trong các hội thi tìm hiểu pháp luật ở cơ sở. Các địa phương khác đẩy mạnh việc tuyên truyền thông qua phát hành tờ gấp; dựng pano, băng rôn, phướn tuyên truyền nhân dịp kỉ niệm Ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3), Ngày gia đình Việt Nam (28/6)…

Đặc biệt, từ năm 2013 - năm đầu tiên triển khai thực hiện Ngày Pháp luật Việt Nam (09/11) đến nay, hằng năm, Sở Tư pháp đều tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó, chỉ đạo triển khai, hướng dẫn các đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện Ngày Pháp luật Việt Nam đi vào nề nếp. Các địa phương tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam với nhiều hình thức cụ thể, phong phú và đa dạng: Tổ chức hội nghị tuyên truyền các văn bản pháp luật mới; lồng ghép vào Lễ Chào cờ đầu tháng 11; tổ chức các hình thức tìm hiểu pháp luật; hoạt động tư vấn, đối thoại chính sách pháp luật tại các điểm dân cư xã, phường. Đặc biệt, trong khoảng thời gian từ ngày 01/11 đến 18/11 các xã, phường, thị trấn lồng ghép hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam với Ngày Hội đại đoàn kết toàn dân bằng nhiều hình thức sinh hoạt có ý nghĩa thiết thực thu hút đông đảo nhân dân tham gia... qua đó đã tạo thành nhiều đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn tỉnh, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh.

2. Bên cạnh đó, xác định việc thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí đánh giá tiếp cận pháp luật luật trên địa bàn tỉnh có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ, nhân dân; đảm bảo quyền được tiếp cận thông tin của công dân đối với các quy định của pháp luật; từ năm 2017 đến nay, sau khi Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 được ban hành, trong đó quy định thêm tiêu chí 18.5 về đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật đối với các xã đăng ký về đích nông thôn mới, Sở Tư pháp đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bổ sung nhiệm vụ mới này vào Quyết định ban hành Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật hằng năm của tỉnh; đồng thời hướng dẫn các địa phương thực hiện việc đánh giá, công nhận, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; nhất là đối với các địa phương có đăng ký về đích nông thôn mới trong năm. Thông qua việc tổ chức đánh giá, công nhận và xây dựng xã đạt chuẩn về tiếp cận pháp luật đã góp phần cải thiện được các hình thức tuyên truyền, tiếp cận thông tin pháp luật, hòa giải cơ sở, giải quyết thủ tục hành chính, phát huy dân chủ ở cơ sở.

3. Ngay sau khi Luật hòa giải ở cơ sở được ban hành năm 2013, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao Sở Tư pháp tham mưu đưa nội dung công tác hòa giải ở cơ sở vào Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật hằng năm. Trên cơ sở Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh và hướng dẫn của Sở Tư pháp, các địa phương tiếp tục xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Luật hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ hòa giải viên, người dân tại địa phương bằng những hình thức phù hợp như: tuyên truyền trực tiếp, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên cổng thông tin điện tử, phát tờ gấp... Nhiều đơn vị cấp huyện như Núi Thành, Tam Kỳ, Phú Ninh, Duy Xuyên, Điện Bàn, Đại Lộc, Quế Sơn, Nông Sơn đã tổ chức Hội thi hòa giải viên giỏi bằng hình thức sân khấu hóa, qua đó một mặt tạo điều kiện cho cấp cơ sở nâng cao hiểu biết pháp luật, kỹ năng xử lý vụ việc cho hòa giải viên, mặt khác góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần, làm cho các quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở đến với người dân dễ dàng hơn.

Qua 07 năm tuyên truyền, phổ biến Luật hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành, đã từng bước khuyến khích người dân lựa chọn phương thức hòa giải ở cơ sở để giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, góp phần xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, góp phần phát huy sức mạnh đoàn kết cộng đồng, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống, xóa đói, giảm nghèo, tạo tiền đề tích cực cho sự nghiệp xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh của địa phương.

4. Việc xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật ở địa phương: Trong thời gian qua, tủ sách pháp luật đã thực hiện tốt chức năng của một kênh tuyên truyền pháp luật, thông tin cơ sở, góp phần đa dạng hóa thiết chế văn hóa - thông tin tại cơ sở, cơ quan, đơn vị với nhiều mô hình; phục vụ công tác phổ biến giáo dục pháp luật, chỉ đạo, điều hành, thực thi công vụ theo pháp luật của chính quyền, cán bộ, công chức, viên chức và thực hiện quyền thông tin pháp luật của Nhân dân. Thông qua việc nghiên cứu sách, tài liệu pháp luật của tủ sách pháp luật đã góp phần nâng cao dân trí, hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân; là một trong những chỉ tiêu để đánh giá mức độ đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của xã, phường, thị trấn.

Tuy nhiên, đến nay do sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, các cổng/trang thông tin điện tử đã thực hiện tốt chức năng cung cấp thông tin pháp luật nhanh chóng, tạo thuận tiện hơn cho mọi người trong việc tra cứu, tìm hiểu pháp luật, đã làm cho tủ sách pháp luật truyền thống ngày càng ít người quan tâm. Do đó, để thực hiện có hiệu quả Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật, Sở Tư pháp đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản về việc thực hiện và duy trì tủ sách pháp luật tại cơ quan, đơn vị trong tình hình mới theo hướng tiếp tục duy trì, củng cố tủ sách pháp luật tại các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, xã bãi ngang ven biển và hải đảo, xã thuộc các huyện nghèo và tại cơ quan, đơn vị của lực lượng vũ trang nhân dân.

Đối với tủ sách pháp luật truyền thống tại các xã, phường, thị trấn đã được xây dựng theo Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg ngày 25/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ trước đây thì giao Ủy ban nhân dân cấp xã, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tự quyết định việc có tiếp tục duy trì hay không đối với tủ sách pháp luật truyền thống của mình. Nếu xét thấy không cần tiếp tục duy trì tủ sách pháp luật nữa thì ở cấp xã, thực hiện chuyển tủ sách pháp luật thành bộ phận “sách, tài liệu pháp luật” của Thư viện cấp xã hoặc của điểm Bưu điện - Văn hóa xã hoặc Trung tâm học tập cộng đồng đang có trên địa bàn, bố trí kinh phí hoạt động đến hết năm 2020. Từ năm 2021, kinh phí dành cho bộ phận “sách, tài liệu pháp luật” được bố trí trong kinh phí hoạt động của thiết chế văn hóa - thông tin mà tủ sách pháp luật được sáp nhập.

Ở tỉnh Quảng Nam, đơn vị xã Tam Đại, huyện Phú Ninh là nơi rất thành công trong việc phát triển mô hình thư viện cà phê sách song song với hoạt động thiết chế nhà văn hóa. Với sáng kiến của Đoàn thanh niên Chi đoàn thôn Đại An, đến nay hoạt động này đã đem lại hiệu quả thiết thực trong việc gây quỹ cho đoàn thanh niên, duy trì và đa dạng các nội dung hoạt động nhà văn hóa thôn, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân tại địa bàn dân cư.

5. Về việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, khối phố, khu dân cư: Xác định được tầm quan trọng của hương ước, quy ước trong đời sống và sinh hoạt của cộng đồng dân cư, trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, cùng với sự cố gắng nỗ lực của các cấp, các ngành và nhân dân, công tác xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn tỉnh đã từng bước hoàn thiện và ngày càng phát huy hiệu quả góp phần quan trọng vào việc phát huy dân chủ cơ sở, xây dựng gia đình văn hóa, thôn – tổ dân phố văn hóa.

Năm 2015, Sở Tư pháp đã ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện khảo sát, đánh giá tình hình thực hiện các văn bản pháp luật về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước; thực trạng xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn tỉnh. Qua đó cho thấy công tác xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước ở thôn, khu phố được UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo thực hiện, tổ chức rà soát đánh giá các thực trạng để sửa đổi, bổ sung nội dung của các bản hương ước, quy ước đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật hiện hành, trong đó chú trọng các nội dung liên quan đến chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình, bạo lực gia đình, bình đẳng giới; đồng thời bãi bỏ các tập tục lạc hậu gây ảnh hưởng đến xã hội, trái với quy định của pháp luật. Hoạt động sơ kết, tổng kết, thi đua, khen thưởng trong xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước ở các địa phương thường được gắn với hoạt động sơ kết, tổng kết, đánh giá việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” hàng năm.

Trên cơ sở chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Công văn số 4358/UBND – KGVX ngày 07/8/2018 về triển khai thực hiện Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg ngày 08/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng hương ước, quy ước, ngày 12/10/2018, Sở Tư pháp đã tiến hành bàn giao nhiệm vụ và toàn bộ hồ sơ, tài liệu liên quan về công tác này cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Để phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ngày càng phát triển sâu rộng, trong thời gian tới Sở Tư pháp tiếp tục tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức phổ biến, không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, tủ sách pháp luật gắn với phong trào thi đua yêu nước và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.
Hạ Trương
Các tin đã đưa ngày: