Liên kết website

Hà Tĩnh: Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân đã góp phần đảm bảo an ninh trật tự, ổn định tình hình và thực hiện thành công nhiều nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương

29/09/2022

Tỉnh Hà Tĩnh có diện tích tự nhiên hơn 6.055 km², phía Bắc giáp tỉnh Nghệ An, phía Nam giáp tỉnh Quảng Bình, phía Tây giáp nước bạn Lào, phía Đông giáp biển Đông, với bờ biển dài 137 km; có 13 huyện, thành phố, thị xã và 216 xã, phường, thị trấn, dân số gần 1,3 triệu người, trong đó chủ yếu là dân tộc Kinh (chiếm hơn 90%), ngoài ra còn có dân tộc Thái, Mường, Chứt và Lào sinh sống chủ yếu tại một số xã thuộc các huyện miền núi. Trong những năm qua, với sự nỗ lực, phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, Hà Tĩnh đã giành được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội [1], tình hình chính trị, quốc phòng - an ninh được bảo đảm. Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trên tất cả các lĩnh vực, trong đó công tác phổ biến, giáo dục pháp luật luôn được Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực và hiệu quả.

Việc ban hành văn bản để chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật kịp thời, sát với yêu cầu thực tiễn
Nhằm triển khai thực hiện kịp thời và có hiệu quả Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), ngày 24/10/2012, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Luật trên địa bàn tỉnh kèm theo Quyết định số 3183/QĐ-UBND. Hàng năm, Uỷ ban nhân dân tỉnh đều ban hành Kế hoạch công tác PBGDPL hoặc kế hoạch công tác tư pháp trong đó có công tác PBGDPL. Ngày 15/12/2015, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 166/2015/NQ-HĐND quy định mức chi thực hiện công tác PBGDPL và hòa giải ở cơ sở. Để thực hiện nghiêm túc và hiệu quả Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 02-CT/TU ngày 04/12/2020, trong đó yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục tổ chức thi hành nghiêm túc, đồng bộ Luật PBGDPL và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Bên cạnh đó, để đảm bảo công tác PBGDPL được triển khai đồng bộ và hiệu quả, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh và Sở Tư pháp tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ cho các đơn vị, địa phương. Theo đó, trung bình hàng năm, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh và Sở Tư pháp ban hành khoảng 30 văn bản, các huyện, thành phố, thị xã ban hành khoảng 50 văn bản để hướng dẫn triển khai công tác PBGDPL.
Hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp ngày càng đi vào nền nếp, phát huy tốt vai trò chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện công tác PBGDPL tại địa phương
Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp tỉnh, cấp huyện được thành lập từ năm 2000. Đến nay, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh đã được kiện toàn 05 lần. Hiện nay, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh gồm 39 thành viên[2] do đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban nhân dân tỉnh làm Chủ tịch Hội đồng, Giám đốc Sở Tư pháp làm Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng.
Hàng năm, Hội đồng ban hành Kế hoạch hoạt động, hằng quý ban hành văn bản định hướng nội dung và hình thức PBGDPL để các địa phương, đơn vị thực hiện. Trong đó, nội dung PBGDPL đảm bảo gắn với thực tiễn cuộc sống và yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý xã hội trong từng giai đoạn, phù hợp với đặc trưng từng địa bàn, đối tượng cụ thể, chú trọng tuyên truyền các văn bản pháp luật mới, các vấn đề mang tính thời sự, thiết yếu, được xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận, các lĩnh vực trọng tâm trong kế hoạch chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh, các vấn đề, lĩnh vực liên quan mật thiết đến đời sống Nhân dân.
Song song với việc hướng dẫn nghiệp vụ, công tác kiểm tra đã được chú trọng thực hiện. Trong 10 năm thi hành Luật, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh đã tổ chức 08 đợt kiểm tra (năm 2020, 2021 không tổ chức kiểm tra do dịch bệnh Covid-19), Hội đồng phối hợp PBGDPL các huyện tổ chức hơn 100 đợt kiểm tra. Qua công tác kiểm tra kịp thời nắm bắt tình hình thực hiện, phát hiện các khó khăn, vướng mắc để có giải pháp tháo gỡ nhằm nâng cao chất lượng thực hiện công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh.
Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp huyện hoạt động hiệu quả, kịp thời tư vấn, tham mưu Uỷ ban nhân dân cấp huyện triển khai thực hiện công tác này tại địa phương. Nhiều đơn vị duy trì chế độ giao ban theo định kỳ hằng tháng, hằng quý, đảm bảo kết nối thường xuyên giữa các thành viên Hội đồng[3].
Hình thức PBGDPL được các đơn vị, địa phương thực hiện đa dạng và phong phú, đảm bảo phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, hạn chế tình trạng hình thức, làm theo phong trào, thiếu thực chất
Để đảm bảo chất lượng công tác PBGDPL, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương kết hợp có hiệu quả giữa các hình thức tuyên truyền pháp luật truyền thống và các hình thức mới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác này. Từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức hơn 50.000 cuộc phổ biến pháp luật trực tiếp, tổ chức hưởng ứng hơn 800 cuộc thi tìm hiểu pháp luật, in ấn và cấp phát gần 4 triệu tài liệu tuyên truyền pháp luật. Các hình thức tuyên truyền pháp luật khác như: qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở, lồng ghép với sinh hoạt thôn, xóm, đoàn thể... tiếp tục phát huy hiệu quả. Gắn công tác tuyên truyền PBGDPL với việc thực hiện Đề án Nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin; hệ thống loa truyền thanh cơ sở từng bước được đầu tư nâng cao chất lượng.
Việc PBGDPL trên sóng phát thanh truyền hình và Báo điện tử của địa phương được thực hiện có hiệu quả. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng nhiều chương trình, chuyên mục PBGDPL, bố trí phát sóng ở khung giờ có nhiều người xem như: Văn bản pháp luật mới, Pháp luật và Đời sống, Luật Sư của bạn, Theo dấu thư bạn xem truyền hình, An ninh Hà Tĩnh... Báo Hà Tĩnh điện tử xây dựng chuyên mục Pháp luật, cập nhật kịp thời nội dung các chủ trương, chính sách mới và phản ánh thực tiễn thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh đã thu hút sự quan tâm của nhiều độc giả. 
Một trong các hình thức PBGDPL được triển khai và mang lại hiệu quả rõ nét là tổ chức các cuộc thi, hội thi tìm hiểu pháp luật. Trong đó nổi bật như: Cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, toàn tỉnh có 242.716 bài dự thi (ước tính khoảng 1/5 dân số của tỉnh tham gia); Hội thi Hòa giải viên giỏi trên địa bàn tỉnh; Hội thi Thanh niên với an toàn giao thông, Hội thi tìm hiểu mô hình hợp tác xã kiểu mới, Cuộc thi trực tuyến “Thanh niên với pháp luật”… Bên cạnh đó, Hà Tĩnh cũng tích cực tham gia các cuộc thi tìm hiểu pháp luật do trung ương tổ chức và dành nhiều kết quả nổi bật như “Pháp luật học đường”, “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai”, “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND”…
Đặc biệt, trong những năm qua, việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL được tỉnh Hà Tĩnh thực hiện nghiêm túc và mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận. Hệ thống cổng/trang thông tin của các ngành, địa phương thường xuyên được cập nhật, kịp thời đăng tải các văn bản pháp luật để cán bộ, Nhân dân tìm hiểu. Một số ngành, địa phương khai thác có hiệu quả mạng xã hội trong công tác tuyên truyền như: Sở Thông tin và Truyền thông, Tỉnh đoàn, các huyện: Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà... Hình thức tập huấn pháp luật trực tuyến được tỉnh triển khai và mang lại kết quả đáng ghi nhận.
Hình thức PBGDPL thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở tiếp tục được thực hiện có hiệu quả. Đội ngũ hòa giải viên thường xuyên được kiện toàn và tập huấn, bồi dưỡng. Hiện nay, toàn tỉnh có 1.964 tổ hòa giải với 13.031 hòa giải viên. Từ năm 2013 đến nay, tỷ lệ hòa giải thành hàng năm đều đạt trên 80%.
Trong triển khai công tác PBGDPL, nhiều mô hình hay, sáng tạo được xây dựng và phát huy hiệu quả cao như: mô hình “Địa bàn không ma túy” và “Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm ma túy” do Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các địa phương, đã nhân rộng được 40 mô hình trên địa bàn tỉnh; mô hình “Câu lạc bộ tình thương” được xây dựng tại xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn đã tập hợp, giáo dục, cảm hóa các đối tượng nghiện hút và vi phạm pháp luật, giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng; mô hình “Hỏi đáp pháp luật”; các Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”, “Thanh niên với pháp luật”… Đặc biệt, tại Hà Tĩnh có mô hình “Sinh hoạt Ngày pháp luật hằng tháng”, theo đó vào ngày 28 hằng tháng, các cơ quan, đơn vị tổ chức hoạt động tuyên truyền pháp luật trực tiếp ở cơ quan, đơn vị mình.
Các đối tượng đặc thù trong xã hội được quan tâm và phổ biến, giáo pháp luật thường xuyên, kịp thời
Công tác PBGDPL cho đối tượng đặc thù được quan tâm đẩy mạnh. Gắn với Đề án “Tăng cường tuyên truyền pháp luật cho cán bộ, Nhân dân vùng biên giới, hải đảo” các cơ quan, địa phương đã in ấn, cấp phát 21.650 sách pháp luật, 173.600 tờ rơi, 45.000 đĩa VCD tuyên truyền pháp luật cho cán bộ, Nhân dân các xã vùng biên giới, bờ biển, thực hiện hàng trăm cuộc tuyên truyền cho ngư dân, Nhân dân ở vùng biên giới. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các ngành, địa phương liên quan đẩy mạnh tuyên truyền các quy định, chính sách pháp luật liên quan đến người khuyết tật, chế độ, trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong việc tạo điều kiện hỗ trợ người khuyết tật. Hằng năm, Sở Tư pháp tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch trợ giúp pháp lý, truyền thông cho người khuyết tật gặp khó khăn về tài chính và tổ chức thực hiện nghiêm túc. Liên đoàn Lao động tỉnh tích cực tuyên truyền chế độ, chính sách của người lao động và người sử dụng lao động. Các hoạt động PBGDPL cho phạm nhân tại Trại tạm giam đã được Công an tỉnh phối hợp với Hội Luật gia tỉnh triển khai có hiệu quả. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh hướng dẫn thành lập và duy trì hoạt động hơn 10 loại hình câu lạc bộ có nội dung tuyên truyền pháp luật cho nạn nhân bạo lực gia đình như: Câu lạc bộ Bình đẳng giới, Câu lạc bộ Phòng, chống bạo lực gia đình... 
Ở cấp huyện đã tổ chức 15.876 cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật trực tiếp; in ấn, cấp phát 95.552 tờ rơi, tờ gấp và nhiều văn bản, tài liệu khác cho các nhóm đối tượng đặc thù theo quy định của Luật PBGDPL.
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường được triển khai nghiêm túc và bài bản, góp phần nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn cho trường học và toàn xã hội, hình thành ý thức sống và làm việc theo pháp luật cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh.
Xác định vai trò quan trọng của công tác PBGDPL trong nhà trường, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo ngành Giáo dục thường xuyên chú trọng phổ biến các văn bản liên quan đến chế độ, chính sách của cán bộ, giáo viên, nhân viên trong ngành và nội dung pháp luật liên quan trực tiếp đến đối tượng học sinh. Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo quán triệt các đơn vị cập nhật kịp thời các văn bản mới trên Cổng thông tin điện tử, trong các hoạt động dạy học, giáo dục liên quan; hướng dẫn các nhà trường tổ chức Tuần sinh hoạt tập thể đầu năm học với các nội dung: học tập điều lệ nhà trường, nội quy trường học, các quy định pháp luật về an toàn giao thông, an ninh trật tự, phòng chống ma túy, tệ nạn xã hội... và ký cam kết thực hiện. Trung bình mỗi năm học, các trường học trên địa bàn Tỉnh tổ chức hơn 300 cuộc tuyên truyền, PBGDPL trực tiếp với hơn 250.000 lượt người tham gia. Các trường học xây dựng tủ sách pháp luật trong thư viện, lồng ghép PBGDPL thông qua các bộ môn Giáo dục công dân, Giáo dục quốc phòng, Lịch sử, Địa lí…, lễ chào cờ, sinh hoạt đầu giờ… Bên cạnh đó, ngành Giáo dục đã có nhiều hình thức hoạt động ngoại khóa hoặc xây dựng mô hình PBGDPL hiệu quả như: Phiên tòa giả định; Hội thi rung chuông vàng tìm hiểu về pháp luật; Thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật; mô hình Cổng trường an toàn - xếp hàng đón con; Lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông; Pháp luật trong mắt em; Trải nghiệm nhập vai các nghề nghiệp liên quan đến thực thi pháp luật (dành cho học sinh nhỏ tuổi); Chương trình phát thanh “90 giây an toàn” với sự tham gia của tổ chức Đoàn Đội, Hội các cấp và sự ủng hộ của cha mẹ học sinh…
Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã quan tâm hơn đến việc bảo đảm nguồn lực thực hiện công tác PBGDPL, nhờ đó hoạt động PBGDPL được triển khai thường xuyên, nhiều hoạt động có quy mô được triển khai để lại dấu ấn sâu sắc trong cán bộ, Nhân dân
Đội ngũ Báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật được thường xuyên rà soát, củng cố, kiện toàn theo quy định pháp luật. Đến nay, về cơ bản, Hà Tĩnh đã thiết lập được mạng lưới đội ngũ tham mưu và tham gia thực hiện công tác PBGDPL rộng khắp từ tỉnh đến huyện, xã; đội ngũ này ngày càng khẳng định rõ hơn vai trò nòng cốt trong việc tuyên truyền pháp luật cho cán bộ, Nhân dân. Toàn tỉnh hiện có 94 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 254 báo cáo viên pháp luật cấp huyện, 2.832 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã. Ngành Giáo dục có hơn 132 giáo viên Trung học phổ thông giảng dạy môn giáo dục công dân và pháp luật; 1.446 giáo viên Trung học cơ sở dạy môn ghép có môn giáo dục công dân. Đội ngũ này thường xuyên được tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ; về cơ bản đã phát huy được vai trò, trách nhiệm và năng lực của mình, thực sự là lực lượng nòng cốt, là cầu nối chuyển tải các nội dung pháp luật đến cán bộ và Nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Hằng năm, Uỷ ban nhân dân tỉnh đều bố trí kinh phí cho Sở Tư pháp - Cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL[4], đồng thời chỉ đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh và Uỷ ban nhân dân cấp huyện quan tâm, bố trí kinh phí phục vụ thực hiện công tác này tại cơ quan, tổ chức, địa phương[5]. Ngoài việc tăng cường các trang thiết bị phục vụ công tác PBGDPL (như máy chiếu, máy ảnh,…), các sở, ban, ngành cấp tỉnh và Uỷ ban nhân dân cấp huyện đã tập trung xây dựng, nâng cấp cổng (trang) thông tin điện tử. Hiện nay, các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, Uỷ ban nhân dân các cấp đã xây dựng cổng (trang) thông tin điện tử, trong đó nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương thiết lập được chuyên trang, chuyên mục PBGDPL. Các xã, phường, thị trấn được tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở, phát huy được hiệu quả của hệ thống này trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho Nhân dân trên địa bàn.
Việc huy động nguồn lực xã hội cho hoạt động PBGDPL trên địa bàn tỉnh được triển khai và bước đầu đạt kết quả đáng ghi nhận. Năm 2018, Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp huy động hơn 01 tỷ đồng đầu tư cho công tác PBGDPL từ Dự án “Hỗ trợ quản trị địa phương trách nhiệm giải trình, đáp ứng được tại tỉnh Hà Tĩnh” của Chính phủ Vương quốc Bỉ. Thông qua đó đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền pháp luật thiết thực, hiệu quả trong khuôn khổ của Dự án.
Có thể thấy, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân đã góp phần đảm bảo an ninh trật tự, ổn định tình hình trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh và thực hiện thành công nhiều nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương như: khắc phục sự cố môi trường biển, phòng chống dịch bệnh COVID-19, đại hội Đảng các cấp, sáp nhập đơn vị hành chính, bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, xây dựng nông thôn mới…; tiếp tục khẳng định công tác này thực sự “là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng” theo đúng tinh thần Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003, Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012./.
Nguyễn Thị Giang
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật
 

[1] 06 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị sản phẩm trong tỉnh đạt 23.529 tỷ đồng, tăng 0,08% so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt hơn 01 tỷ USD, tăng 12,1%; xuất khẩu đạt hơn 02 tỷ USD, tăng 19,36%, so với cùng kỳ năm 2021.
[2]Theo Quyết định số 881/QĐ-UBND, ngày 28/4/2022 của Uỷ ban nhân dân tỉnh.
[3] Các huyện: Thạch Hà, Đức Thọ, Nghi Xuân, Can Lộc và thị xã Kỳ Anh.
[4] từ 600 - 900 triệu đồng, mỗi Đề án PBGDPL được bố trí 150 triệu đồng.
[5] Hằng năm, các sở, ban, ngành bố trí từ 70 - 100 triệu đồng/đơn vị; Ủy ban nhân dân cấp huyện bố trí từ 100 - 200 triệu đồng và Ủy ban nhân dân cấp xã bố trí từ 05 - 15 triệu đồng.
Các tin đã đưa ngày: