Liên kết website

An Giang: Kết quả 10 năm triển khai thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật

28/09/2022

Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) được ban hành năm 2012 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2013. Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh An Giang đã chủ động ban hành Kế hoạch số 39/KH-HĐPH ngày 14/09/2012 để triển khai thực hiện Luật trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, hàng năm Ủy ban nhân dân tỉnh, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh đều có Kế hoạch thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Qua 10 năm triển khai thi hành Luật PBGDPL trên dịa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nổi bật như sau:
Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp tỉnh, cấp huyện được kiện toàn thường xuyên và ban hành Quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ công tác rõ ràng cho các thành viên. Nhờ có vai trò tư vấn của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp nên công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh ngày càng được quan tâm và có chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Các hoạt động PBGDPL càng đi vào chiều sâu và thiết thực, góp phần chuyển tải các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương, của tỉnh cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, Nhân dân tiếp cận, thực hiện.
 Lực lượng báo cáo viên cấp tỉnh, cấp huyện thường xuyên rà soát, kiện toàn. Hiện nay, toàn tỉnh có 210 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 178 báo cáo viên pháp luật cấp huyện và 1.832 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã. Đa số báo cáo viên pháp luật đều có trình độ, thâm niên công tác và am hiểu về pháp luật. Hàng năm, các báo cáo viên pháp luật đều được tham dự tập huấn kỹ năng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và triển khai các văn bản pháp luật mới. Báo cáo viên pháp luật được phân công triển khai, phổ biến các văn bản pháp luật mới thuộc chuyên môn, lĩnh vực quản lý tại Hội nghị báo cáo viên.

Việc tổ chức thi hành Luật PBGDPL cũng như công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh tương đối đồng bộ. Các ngành, các cấp đều có sự quan tâm, chỉ đạo thực hiện, tập trung triển khai sâu, rộng các văn bản quy phạm pháp luật, các lĩnh vực pháp luật chuyên ngành hoặc những văn bản điều chỉnh đối tượng đặc thù thuộc ngành, địa phương mình quản lý. Hình thức triển khai thực hiện đa dạng, phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế của từng cơ quan, đơn vị, địa phương:

Thông qua phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp, Sở Tư pháp thực hiện vai trò cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh và là cơ quan đầu mối tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai các hoạt động PBGDPL trên địa bàn tỉnh, đã tổ chức được 237 lượt tuyên tryền, có 26.009 lượt người tham dự. Các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh đã tổ chức được 94.284 lượt tuyên truyền, có 4.660.839 lượt người tham dự. Các huyện, thị xã, thành phố tổ chức 72.226 lượt cho 2.601.464 lượt người tham dự.

Trong thời gian qua, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh đã tổ chức biên soạn, in ấn, mua và phát hành 14.923.823 tài liệu pháp luật miễn phí (riêng Sở Tư pháp là 422.914 tài liệu), trong đó, 98.088 tài liệu tuyên truyền đăng tải trên Internet và trên 47.357 tài liệu tuyên truyền bằng tiếng dân tộc thiểu số. Các huyện, thị xã, thành phố biên soạn và cấp phát 1.130.461 tài liệu các loại.

Các ngành, các cấp không ngừng phát huy hiệu quả hoạt động trong phổ biến pháp luật trên các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo,…); các cổng thông tin điện tử của cơ quan, địa phương (bằng hình thức đăng các tin bài, văn bản quy phạm pháp luật, Bộ thủ tục hành chính và mở diễn đàn, hộp thư điện tử để tiếp nhận và giải đáp thắc mắc của cá nhân, tổ chức) để tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân tra cứu, tham khảo, tìm hiểu pháp luật… Đồng thời, Sở Tư pháp đã triển khai hình thức nhắn tin qua điện thoại tuyên truyền, phổ biến những nội dung mang tính cấp bách, thời sự, cao điểm như: phòng, chống tội phạm; phòng, chống dịch bệnh COVID-19; cao điểm về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; giao thông đường bộ; đất đai; tệ nạn xã hội; hoạt động “tín dụng đen”... Từ năm 2018 đến năm 2022, Sở Tư pháp phối hợp với VNPT An Giang thực hiện gửi 598.112 tin nhắn điện thoại cho 504.704 thuê bao điện thoại thuộc các mạng Vinaphone, Mobiphone, Viettel.

Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật sinh động đã được các cấp, các ngành lựa chọn là hình thức tuyên truyền thông qua hội thi, cuộc thi tìm hiểu pháp luật. Trong những năm qua, toàn tỉnh đã có 2.317 Hội thi, cuộc thi được tổ chức ở các ngành, các cấp và địa phương với tổng cộng có 787.591 lượt người tham dự. Trong đó, Sở Tư pháp tổ chức thành công nhiều Hội thi, cuộc thi như: Hội thi “Công chức Tư pháp - Hộ tịch” giỏi; Hội thi “Trưởng, phó khóm ấp giỏi”; Hội thi “Thanh niên với pháp luật”; Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về an toàn giao thông”; Cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước CHXHCNVN”, Hội thi “Thanh thiếu niên với văn hóa giao thông”; Cuộc thi tìm hiểu Bộ Luật dân sự; Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật…

Trên địa bàn cấp huyện, một số mô hình PBGDPL được vận dụng mang lại hiệu quả như: Mô hình “Tự quản về An toàn giao thông”; Mô hình “Tiếng loa 20 giờ”; Mô hình “Rủ nhau làm tốt ở xóm Chăm”; Mô hình “Tuyên truyền bằng xe lưu động”; Mô hình “2 AN” (An ninh, trật tự - An sinh xã hội); Mô hình “An ninh trật tự trong tôn giáo Hòa Hảo”; Mô hình “Tôn giáo Bửu Sơn Kỳ Hương tham gia giữ gìn an ninh trật tự”; Mô hình “Quản lý con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội”; Mô hình “Câu lạc bộ xe honda đầu phòng, chông tội phạm”… nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức pháp luật, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn, thực hiện tốt chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Công tác PBGDPL cho các đối tượng đặc thù được các cơ quan, đơn vị và địa phương quan tâm thực hiện và phối hợp thực hiện bằng nhiều hình thức như: tổ chức tuyên truyền trực tiếp cho đại diện những người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số, người bị tạm giữ, tạm giam, phạm nhân và Nhân dân vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc; tọa đàm, thi tìm hiểu pháp luật; Chương trình tiếng Khmer trên các chuyên mục của Đài Truyền thanh cấp huyện; cung cấp tài liệu tuyên truyền pháp luật bằng tiếng dân tộc; lồng ghép PBGDPL trong các hoạt động văn hóa truyền thống...

Để tạo động lực động viên, khuyến khích các tập thể, cá nhân đóng góp tích cực cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hằng năm Sở Tư pháp tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch phát động thi đua trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Trên cơ sở các Kế hoạch này, từ năm 2013 đến năm 2021, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã tặng Bằng khen cho 69 lượt tập thể và 113 lượt cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PBGDPL.

Nhìn chung, qua 10 năm triển khai thực hiện Luật PBGDPL đã có những kết quả khả quan, được các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai tích cực đồng bộ. Lãnh đạo các cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể trên địa bàn tỉnh có sự quan tâm, bố trí kinh phí, chỉ đạo chặt chẽ tổ chức thực hiện. Nhờ vậy, trình độ hiểu biết pháp luật và nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, Nhân dân đã có sự chuyển biến theo chiều hướng tích cực, quan tâm, chủ động tìm hiểu pháp luật, nhất là các vấn đề có liên quan gần gũi đến cuộc sống góp phần phát huy được vai trò, ý nghĩa của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật./.
Bích Ngọc
Các tin đã đưa ngày: