Liên kết website

Một số kết quả trong xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật trên địa bàn tỉnh Long An

29/07/2024

Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) thông qua sách, báo, tài liệu pháp luật là một trong các hình thức PBGDPL có nhiều ưu thế. Thực hiện Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc tìm hiểu, nghiên cứu sách, tài liệu, văn bản pháp luật, những năm qua tỉnh Long An luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật trên địa bàn. Sau 05 năm thực hiện Quyết định 14/2019/QĐ-TTg, việc xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật trên địa bàn tỉnh Long An đã đạt được một số kết quả đáng chú ý, cụ thể như sau:

Công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra
Thực hiện Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg, UBND tỉnh Long An đã chỉ đạo, hướng dẫn Sở Tư pháp phối hợp Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông cùng các đơn vị liên quan, các địa phương thực hiện các nội dung Quyết định. Hàng năm, tỉnh đều tổ chức kiểm tra tại các đơn vị, địa phương về công tác PBGDPL, trong đó có nội dụng về việc xây dựng, khai thác, quản lý Tủ sách pháp luật. Ngoài ra, các sở, ngành, đoàn thể tỉnh; Hội đồng phối hợp PBGDPL Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thực hiện tự kiểm tra các nội dung có liên quan tại đơn vị mình và các đơn vị trực thuộc với hình thức phù hợp. Đồng thời, Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp huyện xây dựng kế hoạch kiểm tra các phòng, ban cấp huyện, UBND cấp xã và báo cáo kết quả về Thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh theo định kỳ hàng năm.
Công tác xây dựng Tủ sách pháp luật
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Long An có 20 Tủ sách pháp luật thuộc 20 xã biên giới; 01 Tủ sách pháp luật thuộc xã đặc biệt khó khăn; 168 Tủ sách pháp luật cấp xã được sáp nhập thành một bộ phận sách, tài liệu của Tủ sách pháp luật của Thư viện xã, điểm Bưu điện - Văn hóa xã, Trung tâm học tập cộng đồng trên địa bàn; có 1.187 Tủ sách pháp luật trang bị tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, trong đó tủ sách, ngăn sách pháp luật trong trường học là 590 (100% các cơ sở giáo dục trực thuộc có ngăn sách pháp luật được trang bị tại các thư viện trường học). Tủ sách pháp luật của các lực lượng vũ trang cũng tiếp tục duy trì, quản lý, khai thác, sử dụng đảm bảo theo Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg, trong đó tủ sách pháp luật ở cơ quan công an là 41, tủ sách pháp luật của quân đội (Quân sự và Bộ đội Biên phòng) là 73.
Đa số các loại sách, báo, tài liệu trang bị cho Tủ sách pháp luật là do ngân sách của cơ quan, đơn vị, địa phương tự trang bị hoặc xã hội hóa. Riêng đối với các văn bản luật, pháp lệnh, Nghị quyết của Quốc hội mới ban hành do Sở Tư pháp - Cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh trang bị đầy đủ cho 100% Tủ sách pháp luật các cơ quan, đơn vị, địa phương (02 đợt/năm).
Công tác quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật
Đối với Tủ sách pháp luật được duy trì, khai thác, sử dụng đặt tại văn phòng, phòng tiếp dân hoặc bộ phận “một cửa” của cơ quan, đơn vị; Tủ sách pháp luật được sáp nhập đặt tại Thư viện hoặc điểm Bưu điện - Văn hóa, Trung tâm học tập cộng đồng để tạo điều kiện cho việc tìm hiểu pháp luật của cán bộ và Nhân dân. Khi khai thác, sử dụng, có phân công công chức Văn phòng - Thống kê hoặc công chức Văn hóa xã hội theo dõi việc mượn, trả sách...
Một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn xây dựng Tủ sách pháp luật trên mạng thông tin nội bộ, thường xuyên cập nhật văn bản pháp luật mới ban hành, phục vụ nhu cầu tra cứu thông tin, tìm hiểu pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Duy trì, sáp nhập Tủ sách pháp luật đã được xây dựng theo Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg ngày 25/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật
Từ năm 2019, các cơ quan, đơn vị và UBND các xã, phường, thị trấn đã thực hiện rà soát, đánh giá hiệu quả, xác định nhu cầu khai thác, sử dụng các Tủ sách pháp luật. Trong đó, đa số các cơ quan, đơn vị tiếp tục tổ chức lưu giữ, quản lý các sách, tài liệu pháp luật hiện có phù hợp với điều kiện của cơ quan, đơn vị tự trang cấp, tự quản lý, sử dụng đảm bảo thiết thực, phục vụ nhu cầu của cán bộ, công chức tại cơ quan, đơn vị.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 188 xã, phường, thị trấn, trong đó có 168 xã, phường, thị trấn đã sáp nhập Tủ sách pháp luật thành một bộ phận sách, báo, tài liệu pháp luật cho Thư viện hoặc điểm Bưu điện - Văn hóa, Trung tâm học tập cộng đồng quản lý, khai thác, sử dụng; 20 xã biên giới tiếp tục duy trì Tủ sách pháp luật theo quy định tại Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg.
Tủ sách pháp luật tại các cơ sở giáo dục đã được xây dựng theo Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg vẫn được duy trì đều đặn hoặc được trang bị thành một ngăn sách pháp luật quản lý theo quy định về tài sản công, có ứng dụng công nghệ thông tin bằng máy tính và phần mềm chuyên dụng vào công tác quản lý.
Đối với các đơn vị lực lượng vũ trang, Tủ sách được lựa chọn các loại tài liệu phù hợp tính chất, chức năng, nhiệm vụ của đơn vị. Nguồn cung cấp tài liệu từ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, UBND tỉnh.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Long An đã có một số mô hình, cách làm sáng tạo trong tổ chức quản lý, khai thác, sử dụng Tủ sách pháp luật như: Ngành giáo dục tổ chức “Ngày đọc sách”, trưng bày sách tại “Không gian sách” ở đơn vị thông qua các hoạt động chào mừng các ngày lễ lớn; huyện Bến Lức và Đức Huệ trang bị cho mỗi tổ hòa giải một túi sách pháp luật gồm các văn bản, tài liệu pháp luật liên quan vấn đề hòa giải, dân sự, thừa kế, hôn nhân gia đình…; Công an tỉnh Long An triển khai “Ngày sách Việt Nam” hàng năm, phát động phong trào đọc sách trong lực lượng kết hợp kỉ niệm các ngày lễ của Đất nước và của ngành…
Nhìn chung, công tác xây dựng, duy trì, khai thác và quản lý Tủ sách pháp luật được các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Long An quan tâm và thực hiện một cách chủ động, thường xuyên, có sáng tạo, đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiểu biết, ý thức tuân thủ pháp luật của cán bộ và Nhân dân.
Hiện nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, nhu cầu tiếp cận và khai thác một cách tiện dụng và nhanh chóng của người dân đối với các tài liệu pháp luật thông qua mạng Internet, có nguồn từ các cổng, trang thông tin chính thức của Nhà nước cũng tăng cao. Do đó, việc nghiên cứu, xây dựng tủ sách pháp luật điện tử phục vụ người dân là cần thiết. Bên cạnh đó, tủ sách pháp luật truyền thống vẫn là kênh thông tin pháp luật quan trọng đối với người dân ở cơ sở, nhất là những nơi còn nhiều khó khăn về điều kiện hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin, người dân ít có điều kiện tiếp cận thông tin về pháp luật./.
Thanh Trang
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật
Các tin đã đưa ngày: