Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân vùng biên giới, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số đã được chú trọng
Thực hiện nhiệm vụ PBGDPL cho cán bộ, Nhân dân vùng biên giới, năm 2023, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Long An đã tổ chức PBGDPL tập trung được 284 cuộc với 7.113 lượt người tham dự; tuyên truyền nhỏ lẻ được 191 cuộc với 5.613 lượt người nghe. Thường xuyên phối hợp với Báo Long An, Đài phát thanh và Truyền hình Long An đưa tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng; theo đó, năm 2023 đã đăng 284 tin bài, thực hiện 12 chuyên trang, 6 chuyên mục “Vì chủ quyền an ninh biên giới” phản ánh hoạt động bảo vệ chủ quyền biên giới của BĐBP và đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, xuất nhập cảnh trái phép... Thực hiện tốt các hoạt động đăng tải các văn bản pháp luật lên trang Website của BĐBP tỉnh Long An.
Ban Chỉ đạo 35 Đảng ủy BĐBP tỉnh đã duy trì có hiệu quả các trang, nhóm trên Facebook và Zalo để tham gia đấu tranh phản bác với các tài khoản xấu độc trên không gian mạng theo định hướng, chỉ đạo của Cục Chính trị BĐBP như: Trang Fanpage “Giữ mãi màu xanh biên cương”, nhóm “Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An” với lượng theo dõi khoảng gần 4.000 người; lượt tương tác trung bình 2.000 lượt người/tháng, chia sẻ khoảng 50-70 tin, bài viết, video clip có nội dung tốt từ nguồn tin chính thức của Ban Chỉ đạo 35 Trung ương và Quân ủy Trung ương như: Hương Sen Việt, Nhân Văn Hà Nội, Tỉnh ủy, Đảng ủy, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh... Bên cạnh đó, “Lực lượng 47” của đơn vị thường xuyên chia sẻ, bình luận các thông tin đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội trên các trang fanpage, Facebook lớn của quân đội và BĐBP như các trang: Xây dựng Đảng, Cánh sóng Tản Viên, Tiến bước dưới quân kỳ, Bình yên biên giới…để chia sẻ rộng khắp trong cộng đồng mạng. Thông qua tuyên truyền, giáo dục đã nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sỹ cảnh giác cách mạng, thống nhất về nhận thức và hành động.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, BĐBP tỉnh thường xuyên phối hợp với Báo Long An, Đài Phát thanh và Truyền hình Long An đưa 283 tin, bài; thực hiện 12 chuyên trang và 06 chuyên mục “Vì chủ quyền an ninh biên giới” phản ánh hoạt động bảo vệ chủ quyền biên giới của bộ đội biên phòng và đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, xuất, nhập cảnh trái phép…
Công an các đơn vị, địa phương tham mưu cấp ủy, UBND các cấp tổ chức tuyên truyền trong các cơ sở tôn giáo, Chùa, Tổ đình xã, Thánh Thất cao đài... tuyên truyền, tổ chức cho 12.357 chức sắc, chức việc, tăng ni, phật tử, người có uy tín và trên 5.000 chức sắc, chức việc, người có đạo Cao đài ký cam kết chấp hành pháp 11 luật; nội dung tuyên truyền tập trung chủ yếu vào các vấn đề: chính sách pháp luật của nhà nước về phòng, chống tội phạm, cách thức phòng, chống tội phạm; tuyên truyền răn đe, giáo dục người thường xuyên qua lại biên giới có điều kiện đưa, đón người xuất nhập cảnh trái phép trên tuyến biên giới.
Phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động trong các doanh nghiệp được quan tâm
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Long An đã phối hợp với Liên đoàn lao động tỉnh tổ chức Hội thi trực tuyến và tổng kết trao giải “Tìm hiểu pháp luật về An toàn, vệ sinh lao động” năm 2023, có 6.201 lượt đăng ký và 10.563 lượt dự thi. Tổ chức 04 lớp tập huấn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững - hỗ trợ việc làm bền vững năm 2023 và điều tra thông tin lao động, quản lý lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác với 550 đại biểu tham dự. Tổ chức 21 Hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm, tuyên truyền về Đề án đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài tại các huyện (Bến Lức, Cần Đước, Tân Hưng, Đức Hòa, Thủ Thừa, Mộc Hoá) với hơn 102 doanh nghiệp và 4.194 người tham dự. Tổ chức 04 Hội nghị tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật mới về cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh Long An; kiểm tra công tác quản lý lao động người nước ngoài và công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2023. Xây dựng và lắp đặt 12 panô, 125 băng rôn tuyên truyền về lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An. Phối hợp với Báo Lao động viết 02 bài đăng trên báo và Đài Phát thanh và Truyền hình Long An, làm 01 phóng sự tuyên truyền về lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An. Đồng thời, trực tiếp trao đổi và thông qua trao đổi trả lời bằng văn bản để tuyên truyền, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và người lao động trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về lao động. Phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức Buổi Lễ phát động hưởng ứng Tháng công nhân và Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động với 1.200 người tham dự. Tổ chức Hội thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động năm 2024 với 12.801 lượt dự thi.
Phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng là nạn nhân bạo lực gia đình
Từ năm 2023 đến nay, Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Long An đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ làm công tác gia đình tại 04 cụm thuộc các huyện, thành phố: Tân An, Tân Thạnh, Mộc Hóa và Thủ Thừa, với hơn 429 đại biểu tham gia; thành phần: Ban Chỉ đạo công tác gia đình huyện, xã; nội dung tổ chức tập huấn hướng dẫn triển khai Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, kỹ năng công tác phòng, chống bạo lực gia đình cho 429 đại biểu. Hỗ trợ báo cáo viên tại 6 lớp tập huấn kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình của các huyện, các xã tổ chức, với hơn 300 đại biểu tham dự. Ngoài ra, Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch còn tuyên tuyền về phòng, chống bạo lực gia đình thông qua ngày Hội Gia đình Văn hóa - Thể thao tiêu biểu tỉnh năm 2023 có hơn 72 hộ gia đình và hơn 380 đại biểu tham dự.
Phổ biến, giáo dục pháp luật cho người đang chấp hành hình phạt tù, người đang bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; người đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, người bị phạt tù được hưởng án treo
Công an tỉnh Long An đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương chủ động phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể tỉnh PBGDPL cho các đối tượng đặc thù theo Luật PBGDPL. Tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng và tái hòa nhập cộng đồng; quán triệt Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù; tập huấn công tác quản lý tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, tái hòa nhập cộng đồng. Tuyên truyền pháp luật cho phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù và số phạm nhân sắp hết thời hạn chấp hành án phạt tù với hình thức trực tiếp tại lớp học, tổ chức cho phạm nhân học Bộ Luật Hình sự, Bộ Luật Tố tụng Hình sự, các quy định mới về tiêu chuẩn thi đua trong chấp hành án phạt tù và xếp loại chấp hành án phạt tù; quy định việc phạm nhân gặp thân nhân; nhận, gửi thư; nhận tiền, đồ vật và liên lạc điện thoại với thân nhân; quy định về tha tù trước thời hạn có điều kiện và các tài liệu tuyên truyền nhân các ngày lễ. Tổ chức giáo dục pháp luật theo chương trình giáo dục khung 14 lớp cho 156 phạm nhân; tổ chức chương trình giáo dục phạm nhân trong độ tuổi thanh niên; giáo dục, cải tạo phạm nhân nữ giúp đỡ tái hòa nhập cộng đồng cho 31 phạm nhân; duy trì “Tủ sách hướng thiện” có 320 đầu sách với 356 lượt phạm nhân đăng ký đọc.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, đã tổ chức giáo dục pháp luật theo chương trình giáo dục khung 09 lớp/12 phạm nhân; tổ chức chương trình giáo dục, trợ giúp pháp lý và tư vấn hướng nghiệp cho phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng 01 lớp cho 26 phạm nhân; duy trì “Tủ sách hướng thiện” với 320 đầu sách, 168 lượt phạm nhân đăng ký đọc sách. Tuyên truyền đối với người bị tạm giữ, tạm giam, phân công cán bộ đến từng buồng giam để phổ biến nội quy, tuyên truyền quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam với 694 lượt người bị tạm giữ, tạm giam được nghe tuyên truyền.
Công tác giáo dục pháp luật tập trung tuyên truyền các quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của đối tượng; pháp luật về hình sự, thi hành án hình sự, xử lý vi phạm hành chính; các văn bản pháp luật liên quan đến bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội của địa phương. Đối tượng đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, người bị phạt tù được hưởng án treo và số đối tượng có tiền án, tiền sự tại địa phương; phạm nhân đang chấp hành án tại Nhà tạm giữ của Công an.
Ngành Công an tiếp tục phối hợp thực hiện tốt công tác củng cố, nhân rộng các mô hình điển hình có hiệu quả trong công tác phòng ngừa tội phạm, tệ nạn, như: “Không có tội phạm về ma túy, không có người sử dụng trái phép chất ma túy”, “03 quản, 03 giúp người nghiện ma tuý, người chấp hành xong án phạt tù tái hoà nhập cộng đồng, xây dựng khu dân cư an toàn, lành mạnh”; “Cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người nghiện ma túy và đẩy lùi tệ nạn ma túy trong cộng đồng dân cư”; “Nhóm Zalo tuyên truyền, phổ biến pháp luật và phòng, chống tội phạm”; “Tuyên truyền phòng ngừa không để ma túy xâm nhập cộng đồng dân cư” ; “Gặp gỡ, cảm hóa, giáo dục người vi phạm pháp luật theo tiêu chí 1+5”; “Phối hợp 05 lực lượng trong tuần tra phòng, chống tội phạm”… đã phát huy hiệu quả trong đấu tranh, phòng ngừa tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo đảm an toàn trật tự nói chung và công tác phòng, chống tội phạm ma túy nói riêng.
Có thể nói, công tác PBGDPL cho các đối tượng đặc thù trên địa bàn tỉnh Long An được các ngành, các cấp quan tâm chỉ đạo triển khai, đạt được những kết quả quan trọng, đã tạo ra chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho các đối tượng đặc thù, qua đó góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn./.
Thanh Trang
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật