Liên kết website

Thừa Thiên – Huế: Tọa đàm nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh: Hòa giải viên phải là người có tâm.

28/05/2015

Ngày 26/5/2015, Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Tọa đàm nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở. Các đại biểu tham dự Tọa đàm là những người trực tiếp làm công tác hòa giải hoặc có liên quan đến công tác hòa giải thuộc các cơ quan: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Trưởng phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố Huế, Công chức Tư pháp – hộ tịch các xã, phường, thị trấn và Hòa giải viên.

 

Tọa đàm đã ghi nhận nhiều tâm tư, nguyện vọng của hòa giải viên cũng như ý kiến đánh giá, nêu rõ khó khăn, hạn chế và đề xuất giải pháp để tăng cường, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh.

Tọa đàm ghi nhận các ý kiến phản ánh về những tồn tại, hạn chế trong công tác hòa giải ở cơ sở. Đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh nêu rõ: Thời gian qua, công tác sơ kết, tổng kết, khen thưởng trong công tác hòa giải chưa được thực hiện thường xuyên. Hòa giải viên chủ yếu làm việc kiêm nhiệm trên tinh thần tự nguyện, vì vậy việc khen thưởng đối với những người làm tốt công tác này là rất cần thiết để động viên, khích lệ kịp thời.

Một vấn đề Tọa đàm đặc biệt chú ý là kinh phí đối với công tác hòa giải ở cơ sở và việc thực hiện các chế độ của hòa giải viên. Đa số các xã, phường, thị trấn chưa bố trí kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở và chế độ của hòa giải viên hầu như chưa được thực hiện. Sau khi có Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 30/7/2014 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác hòa giải ở cơ sở, với sự chỉ đạo sát sao của Ủy ban nhân dân tỉnh, một số địa phương đã cân đối ngân sách và bố trí kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở, có nơi được phân bổ từ 16-20 triệu đồng cho mỗi xã, thị trấn. Bên cạnh khó khăn chung về nguồn kinh phí, việc thực hiện chi không thống nhất giữa các địa phương cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công tác này. Ông Bùi Viết Khanh – Trưởng phòng Tư pháp huyện Phong Điền cho biết, việc chi chế độ bồi dưỡng cho hòa giải viên ở các đơn vị cấp xã không đồng đều, nơi có nơi không, nơi nhiều nơi ít đã làm nảy sinh tư tưởng so sánh trong một số hòa giải viên, ảnh hưởng đến tâm tư tình cảm của anh em cũng như hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở. Về khả năng đáp ứng yêu cầu của hòa giải viên, anh Hoàng Công Phu - Hòa giải viên thôn La Vân Hạ, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền thẳng thắng nhìn nhận: Xã hội phát triển, các vụ việc tranh chấp cũng đa dạng và phức tạp hơn, trình độ dân trí ngày càng cao, trong khi đó trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng của một bộ phận hòa giải viên còn hạn chế nên khó khăn trong thực hiện. Từ thực tế đó, nhiều địa phương đồng tình, đề nghị cần tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho hòa giải viên, hỗ trợ thêm các loại tài liệu để hòa giải viên tự nghiên cứu, phục vụ công tác.

Từ những câu chuyện và tâm tư của Hòa giải viên, ông Phan Văn Quả - Phó Giám đốc Sở Tư pháp – Chủ trì Tọa đàm thấu hiểu những khó khăn, vất vả của Hòa giải viên. Phải là những người vừa có tinh thần, trách nhiệm, vừa có tâm, có lực, hòa giải viên mới có thể thực hiện được công việc mang tính tự nguyện này. Với các ý kiến phát biểu, góp ý, phản ánh, đề nghị của các cơ quan, địa phương và hòa giải viên, đồng chí ghi nhận và thông tin hướng thực hiện một số giải pháp như sau: Về phía tỉnh, tăng cường công tác phối hợp giữa Sở Tư pháp với các ngành có liên quan, như Ủy ban Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các tổ chức đoàn thể để tạo cơ chế, điều kiện thuận lợi hơn cho công tác hòa giải ở cơ sở. Đối với công tác sơ kết, tổng kết, khen thưởng, với chức năng của mình, Sở Tư pháp sẽ tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện thường xuyên việc này. Về vấn đề kinh phí, Sở Tư pháp đang khẩn trương phối hợp với các ngành tham mưu tỉnh xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định mức chi đối với công tác hòa giải ở cơ sở, làm căn cứ cho việc xây dựng kinh phí và thực hiện các chế độ đối với hòa giải viên; đồng thời, hàng năm tỉnh có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn địa phương lập và bố trí kinh phí đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Công tác bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng cho hòa giải viên, theo quy định của pháp luật, nhiệm vụ này phải do cấp huyện thực hiện. Do đó, các Phòng Tư pháp cần chủ động triển khai, Sở Tư pháp phối hợp, hỗ trợ thêm về báo cáo viên, tài liệu.

Với những két quả đã được được, đồng chí đề nghị, trong năm 2015, các cấp, các ngành và các Hòa giải viên phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm của mình, phấn đấu nâng tỷ lệ hòa giải thành đạt trên 80%, góp phần thiết thực vào công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên đia bàn tỉnh.

                                                                    Nguyễn Thị Đào

 

Các tin đã đưa ngày: