Liên kết website

Bộ Tư pháp tổ chức tập huấn về hòa giải ở cơ sở có nhạy cảm giới cho tập huấn viên cấp tỉnh khu vực phía Bắc

21/09/2020

Để nối tiếp các hoạt động thực hiện Dự án tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam do Liên minh châu Âu (EU JULE) và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ, sau khi hoàn thành việc xây dựng Tài liệu tập huấn hòa giải ở cơ sở có nhạy cảm giới (Tài liệu), Bộ Tư pháp tiếp tục phối hợp với UNDP tổ chức các Hội nghị tập huấn về tài liệu.

Trong 02 ngày 21 và 22/9/2020, Bộ Tư pháp phối hợp với UNDP tổ chức Hội nghị Tập huấn Tài liệu hòa giải ở cơ sở có nhạy cảm giới cho đội ngũ tập huấn viên cấp tỉnh một số tỉnh khu vực phía Bắc, gồm thành phố Hà Nội, Hải phòng và các tỉnh Điện Biên, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Nam Định, Hưng Yên. Mục tiêu của Hội nghị: sau khi hoàn thành khóa tập huấn, tập huấn viên nắm được kiến thức cơ bản về giới, bình đẳng giới, định kiến giới, nhạy cảm giới trong hòa giải ở cơ sở, nắm được phương pháp tập huấn về hòa giải ở cơ sở có nhạy cảm giới, từ đó đủ kiến thức, kỹ năng để tổ chức, vận hành lớp tập huấn về giới, bình đẳng giới, hòa giải ở cơ sở có nhạy cảm giới cho hòa giải viên ở cơ sở trên địa bàn tỉnh, thành phố.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Lê Vệ Quốc – Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp nhấn mạnh: Từ lâu hòa giải ở cơ sở là thiết chế hết sức nhân văn trong giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật tại cộng đồng dân cư, ngày càng được người dân ghi nhận và sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Từ kết quả tổng kết 05 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở và tình hình thực tiễn cho thấy, mặc dù đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở đã hòa giải thành nhiều vụ việc (tỷ lệ hòa giải thành đạt trên 80%), tuy nhiên chất lượng đội ngũ hòa giải viên vẫn là vấn đề đáng quan tâm, đặc biệt là nhận thức của hòa giải viên về bình đẳng giới, định kiến giới trong quá trình hòa giải. Cùng với việc thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022” (ban hành tại Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ), Bộ Tư pháp đã phối hợp với UNDP tổ chức xây dựng Tài liệu tập huấn hòa giải ở cơ sở có nhạy cảm giới. Để triển khai Tài liệu này xuống cơ sở, Bộ Tư pháp phối hợp với UNDP tổ chức các hội nghị tập huấn cho đội ngũ tập huấn viên tập tỉnh để đội ngũ này tiếp tục bồi dưỡng, tập huấn này cho hòa giải viên ở cơ sở. Từ đó góp phần nâng cao hiệu quả hòa giải ở cơ sở, gia tăng giá trị bền vững của kết quả hòa giải thành.

Hội nghị tập huấn được tổ chức theo phương pháp tăng cường sự tham gia của người học, lấy người học làm trung tâm. Để đạt được mục tiêu của Hội nghị, Ban Tổ chức đã lựa chọn 02 chuyên gia giảng dạy có trình độ, uy tín, kinh nghiệm là PGS.TS Nguyễn Thị Lan – Trưởng bộ môn Luật Hôn nhân và gia đình, Trường Đại Học Luật Hà Nội (chuyên gia về giới và phương pháp sư phạm) và ThS. Hồ Xuân Hương – Phó Chủ tịch Hội Luật gia thành phố Hà Nội, nguyên Phó Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Hà Nội (chuyên gia về hòa giải ở cơ sở). Các tập huấn viên cấp tỉnh được trực tiếp thực hành nhuẫn nhuyễn cả kiến thức, kỹ năng và phương pháp. Các đại biểu đánh giá cao phương pháp tập huấn này, họ thực sự được suy nghĩ, được rèn luyện các kỹ năng và phương pháp thiết thực, đáp ứng được nhu cầu của đội ngũ tập huấn viên. 
Theo ông Nils Christensen – Quyền Trưởng phòng Quản trị va tham gia, UNDP Việt Nam: Hòa giải ở cơ sở là một cơ chế giải quyết tranh chấp ngoài tòa án phổ biến nhất, được sử dụng rộng rãi trên lãnh thổ Việt Nam, chỉ số PAPI năm 2018 đã chỉ ra có đến 45% người được khảo sát cho rằng sẽ áp dụng những biện pháp hòa giải ở cơ sở thay vì đến Tòa án để yêu cầu giải quyết tranh chấp. Ông hy vọng Tài liệu sẽ là nguồn thông tin hữu ích, hỗ trợ nhân viên, người quản lý, hòa giải viên nâng cao kiến thức về giới, bình đẳng giới, kỹ năng hòa giải ở cơ sở có nhạy cảm giới trong lĩnh vực hòa giải ở cơ sở. Trong thời gian tới, UNDP sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ Tư pháp tổ chức các khóa tập huấn cho đội ngũ tập huấn viên ở khu vực miền Nam, miền Trung và trực tiếp làm điểm cho hòa giải viên ở cơ sở tại 03 tỉnh được lựa chọn. 
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật
Các tin đã đưa ngày: