Liên kết website

Khai mạc tập huấn nâng cao năng lực về tư pháp phục hồi cho cán bộ, công chức tham mưu hoạch định chính sách, xây dựng thể chế và áp dụng pháp luật

04/11/2020

“Tư pháp phục hồi” là thuật ngữ chỉ quá trình xử lý thay thế nằm ngoài hệ thống tư pháp chính thống (xử lý hình sự hoặc xử lý hành chính) đối với người vi phạm pháp luật. Ở Việt Nam hành vi vi phạm pháp luật của người chưa thành niên là thách thức lớn. Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, trung bình mỗi năm có ít nhất 13.000 người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật. Trong đó, phần lớn là vi phạm pháp luật hành chính, chiếm gần 63%; vi phạm pháp luật hình sự chiếm 37%. Về vi phạm pháp luật hình sự, trong ba năm từ 2016 - 2018 toàn quốc có 13.794 vụ với 20.367 đối tượng là người dưới 18 tuổi phạm tội. Trong đó, 5,2% số vụ phạm tội do người dưới 14 tuổi gây ra, 24,5% số vụ phạm tội do người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi gây ra và 70,3% số vụ do người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi thực hiện.

Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để giải quyết cũng như khắc phục tình trạng người chưa thành niên vi phạm pháp luật với tinh thần nhân văn, nhân đạo. Thể hiện rõ nhất trong Bộ luật hình sự năm 2015 và Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã có những quy định rõ ràng về chuyển hướng xử lý người chưa thành niên phạm tội (thay cho truy cứu trách nhiệm hình sự).
 

 
Theo ông Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp “Tại Việt Nam có hai cách xử lý người vi phạm pháp luật là tư pháp trừng trị và tư pháp phục hồi. Tư pháp trừng trị chỉ dành cho đối tượng là người đã thành niên; còn người chưa thành niên cần xuất phát từ đặc điểm tâm sinh lý, lứa tuổi, nhận thức và tác động xã hội đối với họ để có biện pháp xử lý phù hợp. Việt Nam đã và đang cố gắng nỗ lực thực hiện chính sách tư pháp phục hồi cho người chưa thành niên vi phạm pháp luật với triết lý giáo dục để người chưa thành niên được hướng thiện, được giúp đỡ sửa chữa sai lầm và phát triển lành mạnh trở thành công dân có ích. Để sau khi bị xử lý, các em không mặc cảm mà tự mình đứng dậy, hoàn thiện bản thân và trở thành công dân tốt trong tương lai”.

Tuy nhiên các quy định về áp dụng biện pháp tư pháp phục hồi cho người chưa thành niên còn bất cập: Chưa có một chiến lược toàn diện về phát triển tư pháp đối với người dưới 18 tuổi; đội ngũ cán bộ, công chức tham mưu xây dựng thể chế, giải quyết các vụ việc do người chưa thành niên vi phạm chưa được đào tạo bài bản, chưa được trang bị những kiến thức cần thiết về tâm lý học cũng như về khoa học giáo dục đối với người vi phạm pháp luật dưới 18 tuổi; chưa có cơ quan đầu mối có trách nhiệm điều phối về tư pháp phục hồi cho người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật… Chính vì thế, việc nghiên cứu, học hỏi, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về tư pháp phục hồi cho người chưa thành niên là hết sức cần thiết ở Việt Nam.
 

 
Được sự đồng ý của lãnh đạo Bộ Tư pháp và thực hiện Dự án “Tăng cường tiếp cận tư pháp và bảo vệ người chưa thành niên có liên quan đến pháp luật” do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tài trợ năm 2020, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật đã phối hợp với UNICEF tổ chức “Hội nghị tập huấn về tư pháp phục hồi cho người chưa thành niên”. Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tuyến và diễn ra trong thời gian 03 buổi chiều các ngày 03, 23, 25/11/2020 tại hai điểm cầu Hà Nội (Việt Nam) và Paris (Pháp). Chủ trì và điều hành Hội nghị: Ông Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp và bà Nguyễn ThanhTrúc, chuyên gia bảo vệ trẻ em, đại diện UNICEF. Các đại biểu tham dự Hội nghị là cán bộ, công chức đến từ các bộ, ngành tham mưu hoạch định chính sách, xây dựng thể chế, áp dụng pháp luật: Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; một số giảng viên của các trường đại học đào tạo luật. Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật đã phối hợp với UNICEF mời 03 chuyên gia về lĩnh vực tư pháp phục hồi cho người chưa thành niên của Trường Đào tạo quốc gia về bảo vệ tư pháp và trẻ em, gồm bà Jessica Filippi - tiến sĩ về khoa học hình sự tội phạm đối với người chưa thành niên; bà Janique Lepage - chuyên gia bảo vệ trẻ em, giảng viên môn tâm lý học; ông Fabrice Audebrand - phụ trách các hoạt động xã hội về xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật.


 
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Lê Vệ Quốc cho biết, mục tiêu của Hội nghị là các đại biểu học hỏi, tương tác, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm với ba chuyên gia nước ngoài về tư pháp phục hồi đối với người chưa thành niên, đặc thù của Việt Nam, từ đó có định hướng đề xuất xây dựng thể chế chính sách và cơ chế thực thi đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật.
 

 
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Trúc, chuyên gia bảo vệ trẻ em, đại diện UNICEF, giai đoạn từ 10 đến 18 tuổi là giai đoạn quan trọng để phát triển về mọi mặt, tâm - sinh - lý,  lứa tuổi thay đổi rõ nét. Trong giao đoạn này, não bộ đang trong quá trình phát triển, nhận thức chưa toàn diện nên dễ mắc sai lầm, song cũng dễ tiếp cận sửa đổi. Vì vậy cần có cách tiếp cận mới đối với đối tượng người chưa thành niên vi phạm pháp luật để giúp các em có cơ hội nhận thức hành vi và sửa chữa sai lầm. Bà Trúc cũng khẳng định rằng, Việt Nam đã có nhiều kết quả tích cực, tiệm cận được với những tiến bộ của thế giới trong lĩnh vực này, trong đó nổi bật là chế định hòa giải ở cơ sở và các quy định mới của trong Bộ luật Tố tụng hình sự về về xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Song, bên cạnh đó cũng còn những tồn tại, hạn chế trong xây dựng và thực thi pháp luật. Chính vì vậy, mục tiêu chính của Hội nghị mong muốn sẽ góp phần thúc đẩy thực thi pháp luật mới có liên quan đến tư pháp phục hồi cho người chưa thành niên vi phạm pháp luật.
          Khắc phục những khó khăn về ngôn ngữ, khoảng cách địa lý và múi giờ, ngày tập huấn thứ nhất đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Các đại biểu đánh giá cao sự cần thiết tổ chức Hội nghị tập huấn, ba chuyên gia quốc tế là người có trách nhiệm, tâm huyết đã thiết kế chương trình tập huấn logic, phù hợp với Việt Nam và  cung cấp những kiến thức về quyền trẻ em, đặc điểm của trẻ em, nhu cầu của trẻ em; trách nhiệm của nhà nước, nhà trường, gia đình, xã hội trong việc bảo vệ quyền của trẻ em. Hội nghị làm rõ khái niệm tư pháp phục hồi, chủ thể thực hiện, mục đích, nguyên tắc của biện pháp này, các phương pháp và quy trình áp dụng. Trong các ngày tập huấn tiếp theo (23,25/11/2020) các đại biểu sẽ được giới thiệu các quy định về  tư pháp phục hồi đối với người chưa thành niên của một số quốc gia như Pháp, Bỉ, từ đó trao đổi việc áp dụng biện pháp này trong điều kiện, hoàn cảnh tại Việt Nam để xây dựng các giải pháp áp dụng đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật mang tính bền vững, vừa bảo đảm quyền cho các em vừa giúp các em phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật
Các tin đã đưa ngày: