Liên kết website

Tiếp tục đổi mới, đa dạng nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật

15/12/2020

Ngày 15/12, Hội đồng Phối hợp Phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương (Hội đồng) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 6/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ và xây dựng mô hình PBGDPL hiệu quả tại các Bộ, ngành, địa phương. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Cao Huy, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Nguyễn Lam đồng chủ trì Hội nghị.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh nhấn mạnh đến vai trò của công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) cùng những kết quả đạt được đã góp phần quan trọng trong việc đưa pháp luật vào cuộc sống và thực hiện quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật.

Công tác PBGDPL trong giai đoạn mới, yêu cầu mới
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, trên cơ sở tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; ngày 20/06/2020, Ban Bí thư đã ban hành Kết luận số 80-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32 với những định hướng mới mang tính chiến lược, là kim chỉ nam để triển khai công tác PBGDPL trong giai đoạn mới. Để tổ chức thực hiện Kết luận số 08, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1521/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện. Kế hoạch đã xác định các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể và trách nhiệm, tiến độ thực hiện của các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh nhằm tạo bước chuyển biến căn bản về chất lượng, hiệu quả của công tác PBGDPL và nâng cao ý thức, thói quen chấp hành, tuân thủ pháp luật của nhân dân.

Thứ trưởng mong rằng, Hội nghị sẽ trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm triển khai các mô hình PBGDPL hay, hiệu quả tại các bộ, ngành, địa phương để từ đó nghiên cứu, đề xuất nhân rộng, áp dụng phù hợp, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác này trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh
 Định hướng triển khai các mô hình PBGDPL hiệu quả trong thời gian tới, đồng chí Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ PBGDPL cho biết, cần tiếp tục quán triệt, phổ biến nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vị trí, vai trò, ý nghĩa của Hiến pháp và pháp luật trong quản lý đất nước, phát triển xã hội, bám sát theo nội dung, tinh thần Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW cũng như Quyết định số 1521/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, tiếp tục đổi mới, đa dạng nội dung, hình thức tổ chức thực hiện Ngày Pháp luật gắn với đổi mới nội dung, hình thức triển khai công tác PBGDPL, tránh phô trương, hình thức; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số, tích cực thực hiện các giải pháp chuyển đổi số trong quá trình xây dựng, nhân rộng các mô hình PBGDPL hiệu quả; Các Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương cần tiếp tục khảo sát, đánh giá đối với từng mô hình PBGDPL cụ thể; chú trọng việc sơ kết, tổng kết, đánh giá về hiệu quả của từng mô hình PBGDPL để xem xét, nhân rộng trong cả nước hoặc trong từng Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương…

Đánh giá hiệu quả của công tác PBGDPL – vấn đề không mới nhưng khó
Đề cập đến tính hiệu quả của công tác PBGDPL, theo đồng chí Nguyễn Tất Viễn, nguyên Ủy viên Chuyên trách Ban cải cách tư pháp TW, đây là bài toán khó của các cơ quan làm công tác tuyên truyền. Bởi lẽ, hiệu quả của công tác này là ý thức, nhận thức pháp luật chuyển biến thành hành vi là vô hình, trong khi chi phí hữu hình là rất lớn để có thể thực hiện. Đồng chí cũng cho rằng, ở giai đoạn này, PBGDPL cần có cái nhìn khác ở tầm cao hơn, yêu cầu cao hơn và phương pháp mới hơn. Việc đánh giá hiệu quả của công tác PBGDPL cần phải đưa ra tiêu chí về tri thức pháp luật, thái độ và hành động của con người. Tại Hội nghị này, đồng chí cũng đánh giá cao về các giải pháp đưa ra trong Hội nghị, trong đó việc tuyên truyền PBGDPL cần phải gắn với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin trong thời đại mới.  
Đồng chí Cao Huy, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ
 Theo đồng chí Vũ Chí Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Chủ tịch Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh, một trong các yếu tố thực hiện hiệu quả công tác PBGDPL đó là lựa chọn cán bộ có tâm, có trách nhiệm để thuyết phục, vận động người dân hiểu quy định pháp luật. Việc tuyên truyền là để đi đến sự đồng thuận của người dân, chính quyền, hướng tới sự phát triển từ đó quay trở lại phục vụ nhân dân.

Coi trọng công tác PBGDPL từ cơ sở
Nhất trí với ý kiến đã phát biểu tại Hội nghị, Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn, Phó chính ủy bộ đội biên phòng khẳng định, Công tác PBGDPL được Lãnh đạo cơ quan quan tâm, phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành để thực hiện. Nhờ công tác này, nhiều hủ tục được loại bỏ, ý thức chấp hành các quy định, Hiệp định về biên giới được nâng lên, nhân dân tự nguyện tham gia cùng bộ đội biên phòng để bảo vệ biên giới.
Đồng chí Nguyễn Lam, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương
Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn cũng chia sẻ nhiều cách làm hay, hiệu quả như: duy trì mô hình mỗi tuần một câu hỏi, một điều luật; Chương trình chiến sĩ biên phòng viết; tiếp tục duy trì ngăn sách, tủ sách ở đồn biên phòng; Chương trình tiếng loa biên phòng tới từng thôn, bản trong đợt covid (gắn loa vào xe máy đi tuyên truyền); Chương trình biên giới học đường – đối với các đơn vị gần cửa khẩu có các trường học thì bộ đội biên phòng phối hợp với trường học tổ chức các chương trình ngoại khóa để giới thiệu cột mốc quốc gia cho các em học sinh…

Cho rằng công tác PBGDPL thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả, nhưng theo đồng chí Phạm Thị Hồng, Phó Trưởng ban dân chủ pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) thì kết quả vẫn chưa được như mong muốn, chưa tương xứng với công tác xây dựng pháp luật. Đồng chí cho rằng, “trong chừng mực nào đó nếu thực hiện tốt những gì pháp luật đã có thì công tác PBDGPL đã tốt rồi”.
Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn, Phó chính ủy bộ đội biên phòng
 Đồng chí cho biết thêm, trong những năm qua, MTTQVN đã nỗ lực xây dựng chương trình PBGDPL, đồng thời có gợi ý các văn bản pháp luật mới, nhất là những văn bản liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của nhân dân, hoặc liên quan đến bộ máy nhà nước. Bên cạnh đó là đẩy mạnh các Đề án tuyên truyền PBGDPL trong các khu dân cư, đa dạng các hình thức tuyên truyền, thực hiện lồng ghép tuyên truyền pháp luật với các chương trình khác của Mặt trận, thực hiện phản biện chính sách… Trong thời gian tới, MTTQVN sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức cơ sở thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, triển khai tốt các cuộc vận động, làm tốt công tác thi đua, khen thưởng, nhân rộng điển hình, đưa công nghệ thông tin vào công tác tuyên truyền…
Đồng chí Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật
 Còn theo Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) Vũ Việt Trang thì TTXVN xác định PBGDPL là một trong những nhiệm vụ quan trọng, việc tuyên truyền được thực hiện trong nội bộ cơ quan, với người dân và kể cả người nước ngoài. Hiện nay, TTXVN vẫn duy trì bản tin tóm tắt các văn bản chính sách mới, chuyên mục giải đáp pháp luật trên Cổng thông tin Thông tấn xã. Đồng chí Vũ Việt Trang cho biết, số lượt người xem thông tin pháp luật chiếm khoảng 30% lượng tìm kiếm thông tin của trên các báo của TTXVN. Đồng chí cũng chia sẻ, trong thời gian qua, TTXVN cũng làm tốt công tác tuyên truyền đối ngoại, phối hợp với Bộ Tư pháp ra ấn phẩm pháp luật riêng bằng tiếng Anh. Ấn phẩm này đã phát huy hiệu quả tốt, cung cấp thông tin pháp luật cho các tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài tìm hiểu…  
Đồng chí Phạm Thị Hồng, Phó Trưởng ban dân chủ pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
 Kết hợp mô hình PBGDPL bằng hình thức truyền thống và ứng dụng công nghệ thông tin
Khẳng định Hội đồng đã phát huy vai trò trong hệ thống chính trị để công tác PBGDPL có hiệu quả, bộ, ngành địa phương có nhiều mô hình hay cách làm tốt, đồng chí Nguyễn Lam, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương đề nghị, PBGDPL cần chú ý đến nhu cầu, đối tượng phổ biến để có phương thức phổ biến pháp luật phù hợp. Bên cạnh đó, cần chú ý tới chất lượng đội ngũ cán bộ thực thi pháp luật, sử dụng hiệu quả nguồn lực của hệ thống tuyên truyền, phải dân vận khéo, nhất là đối tượng đặc thù, yếu thế, dân tộc thiểu số…

Cảm ơn sự phối hợp hiệu quả trong công tác PBGDPL của các Bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh mong các Bộ, ban, ngành, đoàn thể TW và địa phương tiếp tục quan tâm, coi công tác PBGDPL là nhiệm vụ chính trị, chuyên môn thường xuyên. Đồng thời, căn cứ Quyết định số 1521 để xây dựng Kế hoạch, lộ trình thực hiện, hàng năm phối hợp cùng cơ quan Tư pháp cùng cấp để tổng kết đánh giá đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc. Bên cạnh triển khai PBGDPL bằng hình thức truyền thống, cần quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp tục phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện hiệu quả Đề án số hóa PBGDPL để tạo kênh tuyên truyền tiết kiệm hiệu quả hấp dẫn với phương châm lấy người dân làm trung tâm…

Một số hình ảnh tại Hội nghị:
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp
Các tin đã đưa ngày: