13 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai
Trong thời gian qua, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật (THPL) đã được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và đạt được nhiều thành quả quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trước yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới, công tác xây dựng pháp luật và THPL vẫn còn hạn chế, bất cập.
Để nâng cao hơn chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả THPL, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, ngày 11/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 43/CT-TTg về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả THPL.
Tại Chỉ thị này, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra 13 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện trong thời gian tới.
Để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nêu trên, đội ngũ cán bộ pháp chế tại các bộ, ngành, địa phương đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tham mưu, giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Lãnh đạo Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) – đơn vị đầu mối tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp triển khai Chỉ thị 13 đã cho biết một số nhiệm vụ mà tổ chức pháp chế cần chú trọng để tham mưu, thực hiện trong thời gian tới theo tinh thần của Chỉ thị số 43/CT-TTg.
Cụ thể, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng pháp luật và THPL; xác định xây dựng pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu trong công tác lãnh đạo điều hành; gắn kết việc xây dựng pháp luật với tăng cường hiệu quả THPL; tham mưu cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật của bộ, ngành, địa phương mình.
Bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và yêu cầu thực tiễn để chủ động tham mưu, đề xuất các lĩnh vực cần ưu tiên trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và THPL theo những nội dung định hướng trong các văn kiện của Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy về từng lĩnh vực cụ thể.
Đồng thời tiếp tục quán triệt, phổ biến cho các đơn vị thuộc bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020); tham mưu, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao trách nhiệm, hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan trong quá trình xây dựng pháp luật.
Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cho lãnh đạo bộ, ngành, địa phương trong việc đẩy mạnh và đổi mới các phương pháp, hình thức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, chú trọng việc lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhất là ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của VBQPPL.
Ngoài ra, cần nghiêm túc tiếp thu, giải trình đầy đủ, thực chất các ý kiến góp ý để đảm bảo tính khả thi. Tham mưu cho lãnh đạo trong việc kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi “tham nhũng, trục lợi chính sách”. Hơn nữa, phải tích cực, chủ động trong khai thác, ứng dụng tối đa thành tựu của khoa học, kỹ thuật nhằm bảo đảm tiến độ, nâng cao chất lượng các VBQPPL và tăng cường hiệu quả THPL.
Bộ, ngành tích cực thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng
Hưởng ứng tinh thần trên của Bộ Tư pháp, nhiều bộ, ngành đã chủ động triển khai thực hiện Chỉ thị 43. Điển hình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành Văn bản số 6730/BNV-PC chỉ đạo Thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ tổ chức thực hiện nghiêm túc các nội dung của Chỉ thị.
Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế Phan Trung Tuấn, Văn bản số 6730/BNV-PC đã giao nhiệm vụ cụ thể, phân công trách nhiệm rõ cho các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ trong thực hiện Chỉ thị như: Xây dựng phương án cụ thể bố trí, điều động, luân chuyển các cán bộ, công chức có năng lực làm công tác xây dựng pháp luật, pháp chế theo hướng chuyên nghiệp và hiện đại, đáp ứng yêu cầu công việc đặt ra;
Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ này; Củng cố, kiện toàn tổ chức pháp chế, tổ chức làm công tác xây dựng pháp luật; Ưu tiên, tăng cường nguồn lực, nhất là nguồn tài chính đầu tư cho công tác xây dựng pháp luật; Nghiên cứu, đề xuất ban hành quy định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc thực hiện các nội dung được nêu tại Chỉ thị 43 là một trong các tiêu chí để đánh giá thi đua, khen thưởng hàng năm đối với các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ.
Căn cứ Chỉ thị và tình hình thực hiện công tác xây dựng, ban hành VBQPPL thuộc lĩnh vực Nội vụ, để nâng cao chất lượng tham mưu ban hành và bảo đảm tiến độ thực hiện, Vụ Pháp chế đã đề xuất và Bộ trưởng Bộ Nội vụ giao Vụ Pháp chế nghiên cứu, xây dựng Quyết định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Quy chế xây dựng, thẩm định và ban hành VBQPPL của Bộ Nội vụ.
Nhiệm vụ này đã được đưa vào Chương trình công tác của Bộ năm 2021 và dự kiến trình, ban hành vào quý IV/2021. Quy chế dự kiến quy định rõ trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ được giao chủ trì soạn thảo VBQPPL và xác định rõ vai trò của Vụ Pháp chế trong việc chủ trì hoặc phối hợp với đơn vị chủ trì chặt chẽ trong tất cả các giai đoạn của quá trình xây dựng, thẩm định, ban hành VBQPPL thuộc lĩnh vực Nội vụ.
Đội ngũ pháp chế Công an nhân dân cũng kịp thời đề ra nhiều giải pháp triển khai công tác gắn với triển khai thực hiện Chỉ thị 43. Theo đó, các cơ quan có chức năng xây dựng pháp luật trong Công an nhân dân chủ động rà soát các quy định pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý để kịp thời đề xuất lãnh đạo các cấp xây dựng, ban hành, THPL và có sự định hướng, chỉ đạo kịp thời.
Việc ban hành, hoàn thiện VBQPPL về an ninh, trật tự cần được tính toán, cân nhắc theo thứ tự ưu tiên; theo đó, tập trung xây dựng, sửa đổi, bổ sung những VBQPPL cần phải ban hành ngay để điều chỉnh kịp thời các quan hệ xã hội chưa có quy phạm pháp luật điều chỉnh; tránh hiện tượng dàn trải, xây dựng VBQPPL không có trọng tâm, trọng điểm và kéo dài; đặc biệt là tiếp tục hoàn thiện pháp luật về tổ chức, bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) Trần Nguyên Quân cho hay, pháp chế Công an sẽ tiếp tục thường xuyên tổ chức quán triệt, phổ biến nội dung những VBQPPL liên quan đến lĩnh vực an ninh, trật tự mới được các cấp có thẩm quyền ban hành để phục vụ tốt cho công tác của ngành Công an.
Lực lượng pháp chế tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện tốt việc hướng dẫn THPL trong Công an nhân dân; thường xuyên giải đáp các vướng mắc khi áp dụng pháp luật vào thực tiễn công tác; phối hợp với các bộ, ngành có liên quan thống nhất tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc khi áp dụng pháp luật; kịp thời đề xuất các cấp có thẩm quyền giải quyết những vướng mắc đó.
Đặc biệt, gắn kết chặt chẽ hơn nữa cải cách hành chính với cải cách tư pháp, thực hiện các quy chế dân chủ và công tác xây dựng pháp luật, theo dõi THPL. Tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ làm công tác pháp chế, đặc biệt là cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ này; xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút các chuyên gia, các nhà khoa học tham gia vào công tác xây dựng pháp luật. Tăng cường nguồn lực và các điều kiện bảo đảm cần thiết cho công tác pháp chế, đặc biệt là công tác xây dựng pháp luật.
Bộ Tư pháp nhận định, Chỉ thị số 43/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ được ban hành trong bối cảnh công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và THPL đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, của Nhân dân, do Nhân dân vì Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh hội nhập quốc tế.
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu trong một hội nghị triển khai Chỉ thị 43.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho rằng, năm 2021, pháp chế cần tập trung tham mưu tổ chức thực hiện tốt các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các nghị quyết, chỉ thị nêu trên; thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao tại Nghị định số 55, tập trung triển khai Chỉ thị 43.
“Lựa chọn nội dung trọng điểm trong công tác kiểm tra tình hình THPL nhằm xem xét, đánh giá thực trạng, kịp thời phát hiện những vướng mắc, bất cập, kiến nghị các giải pháp nâng cao hiệu quả hoàn thiện hệ thống pháp luật và THPL”, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc gợi ý.
Nguồn: baophapluat.vn