Liên kết website

Tiếp tục tham mưu đổi mới cách thức tổ chức các Cuộc thi trực tuyến

20/05/2021

Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân”, đến nay đã thành công tốt đẹp. Hiệu ứng, sức lan tỏa từ Cuộc thi như thế nào và tới đây ngành Tư pháp sẽ triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực Phổ biến giáo dục pháp luật nói chung và tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến ra sao, Báo Pháp luật Việt Nam đã phỏng vấn TS. Lê Vệ Quốc - Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức cuộc thi.

- Là cơ quan chủ trì phối hợp với Văn phòng Quốc hội tổ chức Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân”, mục tiêu của cuộc thi này hướng đến là gì, thưa ông? 

Cuộc thi này do Bộ Tư pháp và Văn phòng Quốc hội tổ chức từ 0h00 ngày 01/4/2021 đến 24h00 ngày 30/4/2021. Cuộc thi có hai mục tiêu cụ thể:

Mục tiêu thứ nhất mang tính trực tiếp và trước mắt, thông qua Cuộc thi chúng ta sẽ đo lường được mức độ hiểu biết của người dân đối với pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, cũng như mục đích, ý nghĩa của cuộc bầu cử. Từ đó, sẽ có những định hướng, giải pháp cụ thể để triển khai một cách hiệu quả trong công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật về bầu cử cũng như công tác bầu cử cho người dân. 

Thứ hai, về lâu dài, Cuộc thi nhằm giúp cho người dân hiểu là một công dân họ sẽ có quyền và nghĩa vụ gì trong việc xây dựng, vận hành bộ máy Nhà nước, đảm bảo đây là một Nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Từ đó, tạo cho người dân ý thức trách nhiệm trong việc tìm hiểu pháp luật, tham gia giám sát nhưng cũng chia sẻ, đồng hành với các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, từ việc đưa cuộc sống vào pháp luật cho đến đưa pháp luật vào cuộc sống với mục đích cao nhất là bảo đảm tối đa quyền, lợi ích hợp pháp của Nhân dân.

- Đến nay, Cuộc thi đã thành công tốt đẹp. Ông đánh giá như thế nào về kết quả, hiệu ứng, sức lan tỏa từ Cuộc thi này?

Nội dung Cuộc thi gồm 01 bộ câu hỏi có 19 câu hỏi xuyên suốt từ những kiến thức cơ bản về lịch sử của Quốc hội cho đến quyền, nghĩa vụ của cử tri, các nguyên tắc bầu cử, tiêu chuẩn người đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Với nội dung phong phú và thú vị như vậy, Cuộc thi cũng đã thu hút được 3,8 triệu lượt người quan tâm truy cập website của Cuộc thi với hơn 801.000 lượt người dự thi của 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thành phần dự thi rất đa dạng, nhiều độ tuổi, ngành nghề như: cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên, người dân…

Để có được sự thành công trên, Cuộc thi đã nhận được sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của Bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và Ủy ban nhân dân, Ủy ban Bầu cử các địa phương; các cơ quan báo chí, truyền thông ở Trung ương và địa phương. 

Qua kết quả thi cho thấy, cơ bản người dân đã hiểu về vai trò, tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, quyền và nghĩa vụ của công dân tham gia bầu cử. Bên cạnh đó, người dân cũng được nâng cao hiểu biết về các nguyên tắc bầu cử (nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp, phiếu kín). Qua quan sát, cá nhân tôi thấy rằng, việc giải thích về nguyên tắc bầu cử trực tiếp có những lúc chưa thực sự dễ hiểu. Quan điểm của tôi cần phải nói rõ, bầu cử trực tiếp nghĩa là cử tri được thể hiện ý chí của chính cá nhân họ một cách trực tiếp trong việc sử dụng phiếu bầu để bầu ai (hoặc không bầu ai) và điều đó được thể hiện rõ trên lá phiếu bầu của chính họ. Còn việc họ có bầu trực tiếp vào lá phiếu của họ hay không còn phụ thuộc vào thể chất, sức khỏe của chính họ (pháp luật cho phép cử tri có thể nhờ người khác bỏ phiếu nếu không tự mình làm được việc đó). Tuy nhiên, trong mọi trường hợp lá phiếu bầu vẫn luôn thể hiện ý chí duy nhất của mỗi cử tri.

Với kết quả này, có thể khẳng định, Cuộc thi đã thành công tốt đẹp, có sức lan tỏa và hiệu ứng tích cực trong xã hội. Cuộc thi được tổ chức bằng hình thức trực tuyến, cách thiết kế câu hỏi và nội dung câu hỏi phù hợp nên đã tạo điều kiện để cán bộ, công chức và Nhân dân phát huy tinh thần tự tìm hiểu, học tập pháp luật với thời điểm, phương tiện dự thi linh hoạt (máy tính để bàn, máy tính bảng kết nối mạng internet, điện thoại thông minh).

Đặc biệt, trong bối cảnh cả nước đang chung tay phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thì Cuộc thi là phương thức phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả, phù hợp và đáp ứng yêu cầu tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

- Trong bối cảnh phòng chống dịch Covid như hiện nay thì Lễ tổng kết cuộc thi có được tổ chức không, thưa ông?

Kế hoạch Lễ tổng kết Cuộc thi đã được Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Quốc hội và các cơ quan, tổ chức khác chuẩn bị rất kỹ lưỡng, mà trong đó, theo chương trình dự kiến sẽ trân trọng mời các cá nhân đạt giải trên mọi miền tổ quốc, cũng như các tập thể, địa phương đã có thành tích xuất sắc trong việc hưởng ứng và triển khai Cuộc thi, hội tụ tại Hà Nội để tham dự Lễ tổng kết và vinh danh họ. Đồng thời, Lễ tổng kết cũng là dịp để rút kinh nghiệm và cảm ơn các nhà tài trợ đã đồng hành trong quá trình tổ chức Cuộc thi.

Tuy nhiên, trong tình hình covid rất phức tạp như hiện nay, Ban Tổ chức Cuộc thi đã xin ý kiến của lãnh đạo Bộ Tư pháp, Văn phòng Quốc hội về việc dừng thực hiện Lễ tổng kết Cuộc thi. Trước mắt Ban Tổ chức chỉ thực hiện việc tổng kết và công nhận giải thưởng, xét khen thưởng thông qua báo cáo tổng kết Cuộc thi. Kết quả Cuộc thi sẽ được đăng tải một cách công khai trên các phương tiện truyền thông, báo chí. 

Sau này, việc tổ chức tổ chức Lễ tổng kết có được tổ chức với mục đích và nội dung như trên hay không thì Ban Tổ chức còn phải căn cứ vào tình hình thực tế và xin chủ trương của các đồng chí lãnh đạo Bộ Tư pháp, Văn phòng Quốc hội. 

- Từ thành công của Cuộc thi, thời gian tới Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật sẽ tham mưu Lãnh đạo Bộ Tư pháp triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến nói riêng như thế nào để góp phần nâng cao hiệu quả công tác này? 

Ứng dụng công nghệ thông tin, hướng tới chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là chủ trương của Bộ Tư pháp nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước ta. Tiếp nối thành công của Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân” và một số cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến khác mà Bộ Tư pháp đã tổ chức, trong thời gian tới đây, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật sẽ tiếp tục tham mưu đổi mới cách thức tổ chức Cuộc thi trực tuyến, gắn với thực hiện có hiệu quả Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật”.

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đang tích cực xây dựng Cổng Thông tin điện tử Phổ biến giáo dục pháp luật dùng chung trong cả nước, trong đó có xây dựng Tủ sách pháp luật điện tử Quốc gia với các các chương trình, sản phẩm, tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật phong phú để các bộ, ngành, địa phương, cá nhân chia sẻ, kết nối, khai thác thông tin, tài liệu phục vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Đồng thời, Vụ sẽ chú trọng phổ biến, giáo dục pháp luật trên mạng xã hội, các diễn đàn trực tuyến, mạng viễn thông, sóng phát thanh, truyền hình, mạng lưới thông tin cơ sở; phối hợp với các bộ, ngành, hiệp hội doanh nghiệp, công ty luật để xây dựng cơ sở dữ liệu hỏi – đáp về các lĩnh vực pháp luật mà người dân và doanh nghiệp quan tâm để hình thành hệ sinh thái phổ biến, giáo dục pháp luật, phát triển tài nguyên dữ liệu pháp luật nhằm thực hiện chuyển đổi số công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. 

- Qua kết quả của cuộc thi này, với tư cách là Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, ông có nhắn gửi gì đến các cử tri trên cả nước về ngày bầu cử 23/5 tới đây ?

Tôi luôn mong muốn mỗi người dân, thường xuyên tự mình tìm hiểu pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật để vừa đảm bảo lợi ích hợp pháp của chính mình cũng như luôn thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với Nhà nước, xã hội, trở thành một công dân gương mẫu. Điều đó, sẽ được thể hiện một cách cụ thể ngay tại ngày bầu cử 23/5 tới đây bằng cách chính mỗi cử tri hãy tự mình đi bầu cử và tích cực động viên, khuyến khích những người khác cùng tham gia bầu cử, góp phần vào sự thành công của cuộc bầu cử lần này. Đó là hành vi thiết thực để người dân thực hiện quyền làm chủ của mình đối với đất nước và cùng tham gia xây dựng một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân./.

-Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam điện tử 
Các tin đã đưa ngày: