Liên kết website

Luật Điện ảnh năm 2022: Đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi số trong hoạt động điện ảnh

29/07/2022

Luật Điện ảnh năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2009 được ban hành thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với sự nghiệp điện ảnh dân tộc, tạo cơ sở pháp lý để phát triển điện ảnh Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng nhu cầu hội nhập của điện ảnh nước nhà. Tuy nhiên, sau 16 năm thực hiện, bên cạnh những đóng góp tích cực, hiệu quả cho sự phát triển điện ảnh Việt Nam, Luật này đã bộc lộ một số thiếu sót, bất cập, trong đó một số quy định không còn phù hợp hoặc đã bị bãi bỏ hoặc được quy định tại luật chuyên ngành khác, chưa thể hiện đặc thù của điện ảnh nên không khả thi; một số vấn đề mới phát sinh chưa được quy định trong Luật, do đó chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thư tư, công nghiệp điện ảnh hiện nay đã chuyển đổi hoàn toàn sang công nghệ kỹ thuật số. Ứng dụng của các cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật đã giúp nhiều quốc gia giảm thiểu chi phí, đẩy nhanh tiến độ sản xuất, nhanh chóng đưa sản phẩm điện ảnh đến người xem, rút ngắn thời gian quay vòng vốn, tạo điều kiện cho khán giả tiếp cận các sản phẩm điện ảnh với số lượng lớn, chất lượng cao theo hướng thuận tiện, tiết kiệm. Việc phát hành, phổ biến phim trên mạng lưới băng thông rộng, thông qua các ứng dụng trên nền tảng kỹ thuật số; các giải pháp lưu trữ số hóa tạo nên kho dữ liệu khổng lồ mọi đối tượng đều dễ dàng tiếp cận và những vấn đề về bản quyền, quyền khai thác, sử dụng, lưu trữ phim đặt ra nhiều thách thức cho các nhà quản lý. Tuy nhiên, Luật Điện ảnh hiện hành chưa cập nhật sự phát triển điện ảnh về mặt kỹ thuật, công nghệ.
Đề khắc phục những bất cập, hạn chế, tạo dựng hành lang pháp lý cho việc áp dụng các thành tựu công nghệ kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ khoa học kỹ thuật tiên tiến khác trong quản lý, hỗ trợ công nghiệp điện ảnh phát triển, ngày 15/6/2022, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Điện ảnh năm 2022, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2023, thay thế Luật Điện ảnh năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh năm 2009. Theo đó Luật Điện ảnh năm 2022 có một số điểm mới quan trọng như sau:
Thứ nhất:  Bổ sung thuật ngữ “Công nghiệp điện ảnh”, “Phân loại phim”, “Phim Việt Nam”, “Trường quay” và “Địa điểm chiếu phim công cộng”; đồng thời sửa đổi, bổ sung khái niệm “Phim”, qua đó xác định rõ những loại sản phẩm trong lĩnh vực nghe nhìn được Luật Điện ảnh điều chỉnh.
 
Thứ hai:  Thể hiện rõ hơn cơ chế, biện pháp của Nhà nước huy động mọi nguồn lực đầu tư, phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh; sắp xếp lại theo nhóm chính sách để bảo đảm tính logic, phù hợp với quy định của pháp luật về đâu tư, ngân sách Nhà nước, đồng thời khuyến khích tăng cường, xã hội hóa hoạt động điện ảnh.
Thứ ba: Sửa đổi các quy định về quyền và nghĩa vụ của cơ sở điện ảnh sản xuất phim cho phù hợp với Luật Doanh nghiệp năm 2020 và các luật khác có liên quan. Trong đó có quy định nghĩa vụ của cơ sở điện ảnh sản xuất phim phải gửi văn bản cam kết không vi phạm quy định tại Điều 9 của Luật Điện ảnh tới Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong trường hợp hợp tác sản xuất phim với tổ chức, cá nhân nước ngoài, nhận tài trợ từ tổ chức, cá nhân nước ngoài để sản xuất phim.
Đối với hoạt động cung cấp dịch vụ dụng bối cảnh quay phim tại Việt Nam, Luật có sự thay đổi quan trọng khi quy định hồ sơ xin cấp phép chỉ yêu cầu kịch bản tóm tắt phim và kịch bản chi tiết nội dung quay tại Việt Nam thay vì kịch bản phim đầy đủ theo quy định tại Luật Điện ảnh năm 2006.
Hình thức sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước được được mở rộng với ba hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu, khác với Luật Điện ảnh năm 2006 chỉ quy định hình thức đấu thầu. Bên cạnh đó, Luật cũng mở rộng đối tượng chủ đầu tư sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước là các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp ở trung ương và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Thứ tư: Để tạo thuận lợi cho việc đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực phát hành phim, Luật không quy định phát hành phim là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đồng thời sửa đổi, bổ sung quy định về xuất khẩu phim, nhập khẩu phim theo hướng bỏ quy định doanh nghiệp phát hành phim, doanh nghiệp khác có đăng ký kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu phim phải có rạp để tham gia phổ biến phim; quy định tổ chức, cá nhân chỉ được xuất khẩu phim đã được cấp Giấy phép phân loại phim hoặc Quyết định phát song. Điểm đáng chú ý là Luật bổ sung nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân nhập khẩu phim phải cam kết bằng văn bản về nội dung phim không vi phạm quy định tại Điều 9 Luật Điện ảnh gửi Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, người đứng đầu tổ chức, cá nhân nhập khẩu phim chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung phim nhập khẩu để phổ biến phim.
Thứ năm: Quy định rõ đối tượng chủ thể được phép phổ biến phim trên không gian mạng; quy định thêm các yêu cầu, điều kiện cần bảo đảm khi phổ biến phim trên không gian mạng như đáp ứng điều kiện thực hiện phân loại phim theo quy định của Chính phủ, thông báo danh sách phim sẽ phổ biến và kết quả phân loại phim cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước khi thực hiện phổ biến phim trên không gian mạng, thực hiện biện pháp kỹ thuật cần thiết và hướng dẫn để cha, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em tự kiểm soát, quản lý, bảo đảm trẻ em xem phim được phổ biến trên không gian mạng phù hợp với độ tuổi, cung cấp đầu mối, thông tin liên hệ để tiếp nhận, xử lý các yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước; phản ánh, khiếu nại, tố cáo của người sử dụng dịch vụ.
Thứ sáu: Luật sửa đổi, bổ sung quy định mới về lưu chiểu và lưu trữ phim.  Định dạng kỹ thuật của phim thay đổi từ chất liệu phim nhựa sang phim phim kỹ thuật số nhằm phù hợp với công nghệ điện ảnh như thời hạn lưu chiểu đối với phim nhập khẩu căn cứ theo thời hạn bản quyền phổ biến tại Việt Nam. Phim Việt Nam sản xuất bằng nguồn ngân sách nhà nước phải chuyển bản phim lưu chiểu không khóa mã, kịch bản và tài liệu đi kèm cho cơ sở lưu trữ phim; trả lại bản phim lưu chiểu cho cơ sở nộp lưu chiểu khi hết thời hạn lưu chiểu.
Thứ bảy: Mở rộng chủ thể được tổ chức liên hoan phim nhằm huy động nguồn lực xã hội tham gia quảng bá, tôn vinh điện ảnh trong nước. Các Bộ, ban, ngành, các cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp được tự tổ chức liên hoan phim, giải thưởng, cuộc thi phim, chương trình phim và tuần phim tại Việt Nam. Cơ quan, tổ chức Việt Nam không thuộc đối tượng nêu trên được phép tổ chức liên hoan phim, giải thưởng phim, cuộc thi phim, chương trình phim và tuần phim tại Việt Nam khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của Chính phủ. Tổ chức quốc tế, tổ chức nước ngoài, cơ quan ngoại giao, cơ sở văn hóa nước ngoài khi tổ chức liên hoan phim, liên hoan phim chuyên ngành, chuyên đề, giải thưởng phim, cuộc thi phim, chương trình phim và tuần phim tại Việt Nam phải được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp giấy phép.
Thứ tám: Quy định mới chế độ ưu đãi đối với tố chửc nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim Việt Nam nhằm góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ làm điện ảnh, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, thúc đấy phát triển điện ảnh, du lịch và các ngành dịch vụ liên quan. /.
Nguyễn Thị Tâm
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật
Các tin đã đưa ngày: