Liên kết website

Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên

26/09/2022

An toàn giao thông luôn là vấn đề quan tâm của toàn xã hội bởi hậu quả của hành vi vi vi pháp luật về giao thông ảnh hưởng nặng nề đối với từng cá nhân, gia đình và Nhà nước. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến vi phạm pháp luật về giao thông như: Công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông của các cấp còn nhiều bất cập; cơ sở hạ tầng giao thông không đáp ứng kịp tốc độ phát triển của xã hội; chế tài xử lý vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông chưa đủ mạnh, thiếu sức răn đe; công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm của một bộ phận cán bộ cơ quan chức năng chưa quyết liệt, nhiều nơi còn thiếu nghiêm minh… Nhưng có lẽ, nguyên nhân cốt lõi nhất là ý thức chấp hành pháp luật giao thông của người dân còn hạn chế. Do vậy, nâng cao tính tự giác, ý thức chấp hành pháp luật của người dân là vấn đề quan trọng để giảm thiểu tai nạn giao thông.

Theo thống kê của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, riêng năm 2021, số vụ tai nạn giao thông cả nước được ghi nhận là hơn 11 nghìn vụ, trong đó, có 10,3% số vụ tai nạn giao thông liên quan đến người dưới 18 tuổi.

Ngành Giáo dục với trên 23 triệu học sinh, sinh viên là nhân tố quan trọng trong sự phát triển bền vững của đất nước. Trong đó, công tác giáo dục an toàn giao thông trong trường học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để bảo vệ các em trước hiểm họa tai nạn giao thông.

Nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên, ngày 24/9, tại Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên), Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và các đơn vị liên quan tổ chức lễ phát động học sinh, sinh viên nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về an toàn giao thông năm 2022-2023. Chương trình được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới 63 Sở Giáo dục và Đào tạo trong cả nước.

Tại buổi lễ, đồng chí Ngô Thị Minh - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các cơ sở giáo dục và đào tạo trên cả nước tiếp tục tăng cường đổi mới phương pháp tuyên truyền, giáo dục an toàn giao thông theo hướng tăng tính chủ động, sáng tạo của học sinh, sinh viên; tổ chức tuyên truyền, giáo dục lồng ghép nội dung an toàn giao thông vào các hoạt động, phong trào của nhà trường. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị, nhà trường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để xử lý nghiêm các trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm quy định về an toàn giao thông; chú trọng giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử, thoát hiểm, bảo vệ bản thân cho học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, Thứ trưởng kêu gọi các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, học sinh, sinh viên chấp hành nghiêm túc quy định về an toàn giao thông; nêu cao hơn nữa tinh thần tự giác, chịu trách nhiệm khi tham gia giao thông; mỗi học sinh, sinh viên là một tuyên truyền viên tích cực để góp phần xây dựng văn hóa giao thông. Ngoài ra, Thứ trưởng cũng đề nghị, các cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức cho cha mẹ học sinh ký cam kết với nhà trường trong việc không giao xe máy cho học sinh khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe và đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn cho học sinh khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy và phương tiện xe hai bánh chạy bằng điện tham gia giao thông…

Tại lễ phát động, gần 20 nghìn học sinh, sinh viên đã được phổ biến pháp luật về an toàn giao thông, văn hóa giao thông và kỹ năng điều khiển xe mô tô, xe gắn máy an toàn.

Trong khuôn khổ chương trình buổi lễ, đại diện các sở giáo dục và đào tạo, các trường đại học, cao đẳng đã ký cam kết với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia về việc tăng cường thực hiện công tác giáo dục an toàn giao thông tại trường học. Nhân dịp này, 500 sinh viên Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên cũng đã được Quỹ phòng chống thương vong châu Á  tặng mũ bảo hiểm đạt chuẩn, góp phần tạo điều kiện cho các em tham gia giao thông một cách an toàn./.
 Thanh Trang
Vụ Phổ biến,giáo dục pháp luật
Các tin đã đưa ngày: