Liên kết website

Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam quan tâm thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù

17/09/2022

Trong thời gian qua, triển khai Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), các cấp Hội LHPN đã hướng dẫn, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác PBGPDL với nội dung, hình thức phù hợp cho các đối tượng đặc thù theo quy định của Luật PBGDPL.

Tùy đặc điểm, yêu cầu, điều kiện thực tiễn của từng địa phương, các tỉnh/thành Hội đã tập trung triển khai đối với các đối tượng khác nhau. Công tác PBGDPL ở vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các nạn nhân là bạo lực gia đình, các đối tượng đang chịu thi hành án trong các trại giam…đã được các cấp Hội đặc biệt chú trọng, quan tâm thực hiện thông qua hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý lưu động; đối thoại chính sách, pháp luật (Hội LHPN Tỉnh Ninh Bình tổ chức 330 hội nghị đối thoại chính sách, pháp luật); truyền thông (Hội LHPN Tỉnh Phú Yên phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức 42 hội nghị truyền thông cho 2.440 hội viên phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Phối hợp với Sở Lao động tổ chức 120 buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người khuyết tật cho hơn 6000 lượt hội viên, phụ nữ và người khuyết tật); tư vấn pháp luật, cung cấp miễn phí thông tin, tài liệu pháp luật bằng tiếng dân tộc cho đồng bào dân tộc thiểu số; lồng ghép PBGDPL trong các hoạt động văn hóa truyền thống. Theo đó, điển hình với địa bàn vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn nhiều hội viên, phụ nữ và người dân còn mù tiếng phổ thông, để công tác tuyên truyền PBGDPL được hiệu quả, Hội Phụ nữ tỉnh Yên Bái đã tranh thủ khai thác các chương trình dự án để lồng ghép các hoạt động tuyên truyền như: Đề xuất dự án “Nâng cao nhận thức về phòng chống mua bán người cho người dân tỉnh Yên Bái” do tổ chức Bread for the World của Đức tài trợ để tổ chức hình thức, xây dựng các sản phẩm truyền thông do chính người dân địa phương đóng vai biểu diễn bằng cả tiếng Kinh – Mông – Thái đăng tải trên các trang thông tin của Hội và kênh Youtube đã mang lại hiệu quả rất cao với số lượng người tương tác và chia sẻ lớn.

 Các cấp Hội chú trọng công tác tổ chức đào tạo, bồi dưỡngcộng tác viên, tuyên truyền viên pháp luật, người làm công tác PBGDPL, người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số tham gia PBGDPL tại địa phương; tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động tình nguyện PBGDPL cho người dân ở vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Trong giai đoạn từ 2018 – 2020, Hội LHPN Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an tổ chức 20 sự kiện truyền thông hướng đến những đối tượng có nguy cơ cao như: Trẻ em vi phạm pháp luật, người nghiện và thân nhân người nghiện ma túy, phạm nhân nữ trong các trại giam, phụ nữ đã chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, tiêu biểu như: Truyền thông “Khởi nghiệp chắp cánh tương lai” dành cho đối tượng nữ phạm nhân trong các trại giam, truyền thông “Thắp lửa trên đường về”, truyền thông về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em tại 7 tỉnh/thành phố (Tại Vĩnh Long, Khánh Hòa, Phú Yên, Sóc Trăng, Thanh Hóa, Nghệ An năm 2018, 2019 (tại Vĩnh Long, Khánh Hòa, Phú Yên, Sóc Trăng, Thanh Hóa, Nghệ An năm 2018, 2019); truyền thông cho học sinh trung học phổ thông về phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy (tại Đồng Hỷ (Thái Nguyên), Chiềng Lề (Sơn La), Nghệ An. Quan Sơn (Thanh Hóa), Lào Cai, Lâm Đồng); truyền thông phòng, chống mại dâm “Vì ngày mai tươi sáng”(tại Hồ Chí Minh, Quảng Ninh và Thừa Thiên Huế). Từ những sự kiện truyền thông của Trung ương, nhiều cuộc truyền thông phòng chống tội phạm và TNXH tại một số tỉnh trọng điểm đã được triển khai thực hiện phù hợp với đặc trưng từng địa phương (Tiêu biểu: Hà Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Đăk Lăk, Cần Thơ, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Sơn La...).

Các hoạt động PBGDPL giúp hội viên phụ nữ thuộc các đối tượng đặc thù hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật, góp phần giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật; từng bước hình thành nếp sống văn minh trong làng, xã, nhiều phụ nữ đã biết tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của bản thân, gia đình góp phần giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Tô Thị Thu Hà
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật 
Các tin đã đưa ngày: