Liên kết website

Hội thảo tham vấn dự thảo Báo cáo về phương pháp, cách thức đo lường, đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

29/11/2022

Thực hiện Kế hoạch hoạt động của Dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” (EU JULE) do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ, Bộ Tư pháp phối hợp với Cơ quan Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) triển khai hoạt động “Nghiên cứu phương pháp, cách thức đo lường, đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật”. Ngày 28/11/2022, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp phối hợp với UNDP và các chuyên gia của dự án (PGS.TS Vũ Thu Hạnh – Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Pháp luật và Kinh tế ASEAN, Hội Luật gia Việt Nam - Trưởng nhóm nghiên cứu, TS. Nguyễn Thị Dung, Giảng viên Trường Đại học Luật Hà Nội và bà Virginia A. Nelder, chuyên gia quốc tế về quyền con người, xây dựng chính sách và pháp luật) tổ chức Hội thảo tham vấn góp ý dự thảo Báo cáo về phương pháp, cách thức đo lường, đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (dự thảo Báo cáo).

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật và đồng chí Đào Thị Thu An, Quản lý dự án EU JULE đều nhấn mạnh sự cần thiết của hoạt động đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trong bối cảnh hiện nay, từ đó đưa công tác này đi vào thực chất, đáp ứng những yêu cầu mới của thực tiễn. Trên cơ sở kết quả cuộc họp kỹ thuật (ngày 10/11/2022), đồng chí Vụ trưởng và đại diện UNDP mong muốn thông qua Hội thảo tiếp tục lắng nghe, trao đổi để tìm ra các gợi ý, đề xuất phù hợp cho việc đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác này từ chủ thể, phương pháp, cách thức và nội dung đánh giá.
 
Sau khi lắng nghe phần trình bày tóm tắt của PGS.TS Vũ Thu Hạnh - Trưởng nhóm nghiên cứu về quá trình xây dựng và các nội dung của dự thảo Báo cáo, Hội thảo đã nghe phần phản biện của ba chuyên gia phản biện là: Bà Phạm Thị Thanh Việt, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; bà Chu Thị Hoa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp và ông Vừ Bá Thông, Vụ Pháp chế, Ủy ban dân tộc.
 
Trên tinh thần cởi mở, xây dựng, các chuyên gia phản biện và ý kiến của một số đại biểu tham dự đã có những phát biểu đi trực tiếp vào những vấn đề quan trọng của dự thảo Báo cáo, trong đó tập trung đánh giá về tính lý luận, khoa học của nội dung dự thảo Báo cáo; làm rõ tính khoa học phương pháp nghiên cứu, tính chính xác của các thông tin số liệu đã thu thập; phân biệt nội hàm PBGDPL với hoạt động tổ chức thi hành pháp luật; luận giải cụ thể hơn việc sử dụng và học tập kinh nghiệm quốc tế trong đánh giá hiệu quả PBGDPL...
 
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến góp ý cũng đã đề cập tới việc cần khái quát hóa các đề xuất, khuyến nghị trong dự thảo Báo cáo nhưng vẫn bảo đảm được tính linh hoạt để phù hợp với đặc thù đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL trong từng lĩnh vực cụ thể.
 
Tại Hội thảo, chuyên gia quốc tế cũng đã trình bày một số đề xuất, khuyến nghị cho Việt Nam trong thực hiện hoạt động đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL trên cơ sở kinh nghiệm thực tiễn áp dụng trong những trường hợp cụ thể ở một số quốc gia trên thế giới như: Indonesia, Mỹ, Canada... Đa phần các đề xuất, khuyến nghị của chuyên gia quốc tế được các đại biểu tán thành và đánh giá phù hợp cho việc áp dụng tại Việt Nam.
 
Tiếp thu các ý kiến góp ý, thay mặt nhóm chuyên gia, PGS.TS Vũ Thu Hạnh sẽ tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo Báo cáo theo hướng làm rõ nội hàm về PBGDPL, bảo đảm gắn kết giữa phần lý luận và kết quả khảo sát để làm cơ sở cho việc xây dựng các đề xuất, khuyến nghị một cách phù hợp, bảo đảm tính phổ quát và có thể áp dụng trong hoạt động đánh giá hiệu quả PBGDPL trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
 
Kết luận tại Hội thảo, đồng chí Lê Vệ Quốc và đồng chí Đào Thị Thu An trân trọng cảm ơn sự tham gia của các vị đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến rất đáng lưu tâm giúp góp phần hoàn thiện, nâng cao chất lượng Báo cáo. Hội thảo đã một lần nữa khẳng định việc đánh giá hiệu quả PBGDPL một cách chung chung trong mọi hoạt động, hình thức PBGDPL là khó khả thi; việc đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL cần được tiếp cận theo hướng kết hợp giữa đánh giá quy trình tổ chức với kết quả đầu ra của công tác PBGDP, trong đó cần có sự bóc tách, nhận diện kết quả tác động của hoạt động PBGDPL tới đối tượng thụ hưởng với những yếu tố khác của hoạt động quản lý nhà nước. Trong tương lai, Vụ PBGDPL sẽ nỗ lực phối hợp với các chuyên gia để cho ra một Báo cáo hoàn chỉnh và tổ chức công bố công khai trong thời gian tới./.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật 
Các tin đã đưa ngày: