Liên kết website

Tăng cường công tác truyền thông cho Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần IV

05/07/2023

Sáng 4/7, Ban Tổ chức Hội thi hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV tổ chức cuộc họp Tổ Thư ký Hội thi. Đồng chí Phan Hồng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), Tổ trưởng Tổ Thư ký chủ trì cuộc họp.

Tạo diễn đàn giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải cho hòa giải viên
Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Phan Hồng Nguyên cho biết, trong thời gian qua, hoạt động hòa giải đã phát huy vai trò tích cực trong việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh tại cơ sở; từ đó giữ gìn, duy trì đoàn kết trong nội bộ nhân dân; củng cố, phát huy tình cảm và đạo lý truyền thống tốt đẹp trong gia đình, cộng đồng; đồng thời giảm áp lực cho các cơ quan Nhà nước, cơ quan tư pháp; hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo, nhất là khiếu nại vượt cấp, kéo dài.

Đồng chí cho biết thêm, để nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò và ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức ở Trung ương tổ chức thành công Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc năm 2000, 2005 và 2016. Năm nay, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thi lần thứ IV với 2 vòng thi: vòng thi khu vực và vòng thi toàn quốc. Đây sẽ là diễn đàn giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải cho hòa giải viên; bên cạnh đó biểu dương và tôn vinh những điển hình xuất sắc trong công tác hòa giải ở cơ sở trên cả nước.
  
Theo dự thảo Thể lệ cuộc thi, đối tượng tham gia Hội thi là hòa giải viên được công nhận theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở đã đạt giải cao tại tại Hội thi hòa giải viên giỏi của địa phương hoặc hòa giải viên xuất sắc, tiêu biểu của địa phương được lựa chọn đại diện cho tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tham dự Hội thi toàn quốc. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cử 1 đội tham dự Vòng thi khu vực.
  
Mỗi đội thi gồm 3 thành viên chính thức, 1 thành viên dự bị. Đối với phần thi giới thiệu và tiểu phẩm, ngoài thành viên chính thức, đội thi được huy động tối đa không quá 5 người khác tham gia các vai phụ. Hội thi được tổ chức dưới hình thức sân khấu hóa và thi tập thể theo đội.

Vòng thi được tổ chức tại 3 khu vực: miền Bắc (tại thành phố Hải Phòng); miền Trung – Tây Nguyên (tại tỉnh Khánh Hòa); miền Nam (tại tỉnh Tây Ninh). Sau đó, các đội xuất sắc sẽ dự thi toàn quốc tại thành phố Hà Nội. Nội dung thi của mỗi đội gồm 3 phần: phần thi giới thiệu, thi lý thuyết và thi tiểu phẩm.

Nội dung thi cần có điểm mới, điểm nhấn
Góp ý tại cuộc họp, đồng chí Phan Hồng Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ủy ban Dân tộc cho rằng, để cuộc thi lan tỏa sâu rộng, Ban Tổ chức cần tăng cường các công tác truyền thông trước-trong-sau cuộc thi. Đồng thời, nội dung thi phải có điểm nhấn, có thể lồng ghép với tuyên truyền, phổ biến các chính sách pháp luật cho người dân sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số; trong đó chú trọng vào việc phòng chống các luận điệu xuyên tạc, sai trái, giữ gìn phát huy bản sắc dân tộc.
  
Đối với phần thi tiểu phẩm, hiện trong dự thảo, mỗi đội có không quá sáu phút để trình bày, biểu diễn tiểu phẩm đã chuẩn bị. Tuy nhiên, đồng chí đề xuất Ban tổ chức xem xét tăng thời gian thi nội dung này để đảm bảo các đội thi có đủ thời gian để truyền đạt trọn vẹn nội dung tiểu phẩm. Bên cạnh đó, nhằm khuyến khích, động viên cá nhân, tập thể tham gia Hội thi, đồng chí đề xuất trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho hòa giải viên của đội thi đạt giải đặc biệt, nhất, nhì Vòng thi toàn quốc.
 
Còn theo đồng chí Nguyễn Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội thi lần thứ IV được tổ chức cách khá lâu so với Hội thi lần thứ III (năm 2016); vì vậy Hội thi lần thứ IV sẽ nhận được sự tham gia của đông đảo các đội thi. Ban Tổ chức cần tìm ra điểm mới, điểm nhấn để chọn lọc các tác phẩm dự thi đặc sắc. Đặc biệt, các nội dung thi cần gắn với việc tổng kết 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở và hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11.

Về mục tiêu, đồng chí nhấn mạnh Hội thi cần hài hòa giữa mục đích tìm kiếm, tôn vinh tập thể, cá nhân xuất sắc ở các vùng miền, địa phương với việc xây dựng phong trào để học tập, chia sẻ kinh nghiệm về công tác hòa giải ở cơ sở.

Ngoài ra, tại cuộc họp, các thành viên Tổ Thư ký đã thảo luận, cho ý kiến cụ thể về cách thức tổ chức thi vòng khu vực, vòng toàn quốc; cách thức lựa chọn số lượng đội thi của mỗi khu vực tham gia vòng thi toàn quốc (do Ban Tổ chức quyết định căn cứ vào kết quả Vòng thi khu vực và tổng số đội thi của mỗi khu vực hay ấn định số lượng đội thi cụ thể của từng khu vực); giải thưởng, cơ cấu giải thưởng; dự thảo Bộ nhận diện Hội thi; kinh phí tổ chức thực hiện và phương án truyền thông cho Hội thi;...
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp 
Các tin đã đưa ngày: